Startup Việt và cơ hội gọi vốn giữa đại dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn vốn luôn là bài toán khó đối với các startup, tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều cơ hội kinh doanh mới xuất hiện, đòi hỏi các startup cần nhanh nhạy chớp thời cơ để bứt phá, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ.

Cơ hội mới xuất hiện
Trên thực tế, phần lớn các startup Việt vẫn phải phụ thuộc vào việc gọi vốn từ các nhà đầu tư, trong khi hiện nay, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước còn ít, startup Việt chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các quỹ nước ngoài, đặc biệt là khi đại dịch xảy ra, các quỹ nước ngoài không sang trực tiếp Việt Nam làm việc được.

Bà Lê Hoàng Uyên Vi - đồng sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures cho biết, mặc dù khó khăn nhưng thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều startup Việt vẫn thành công trong việc gọi vốn hàng triệu USD, bởi các nhà đầu tư đang rất tin tưởng vào tiềm năng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nền kinh tế của chúng ta khá ổn định về vĩ mô, các nhà đầu tư thấy một lực lượng dân số trẻ, có thu nhập tăng lên và xu hướng chuyển đổi sang dùng app phổ biến hơn. Với kinh nghiệm khống chế thành công làn sóng Covid-19, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, bên cạnh những thách thức, startup Việt vẫn có nhiều cơ hội hút vốn đầu tư.
 Lễ ký kết giữa Gpay và Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Nga
Cũng theo bà Uyên Vi, thời điểm này khi dịch bùng phát, nhiều ngành sẽ có dư địa thị trường lớn, cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi các statup phải nhanh nhạy, tiên phong nắm bắt cơ hội. Cụ thể, dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, thay đổi thói quen tiêu dùng… Do đó, những startup mới, giải quyết được những vấn đề hiện có của xã hội do dịch Covid-19 sẽ là người chiến thắng. "Điều mà các nhà đầu tư quan tâm đó là startup đó có tạo ra được giá trị thực tế cho khách hàng không và những gì mang lại có bền vững không" - bà Vi khẳng định.

Chủ động chớp thời cơ

Đầu năm 2021, ví điện tử Gpay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các dịch vụ như cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, ví điện tử. Với hệ sinh thái hỗ trợ từ G-Group, có gần 30 triệu người dùng trên các nền tảng tài chính, công nghệ tài chính và các nền tảng kết nối thông tin. Ngay sau khi ra mắt, nền tảng này đã nhận được khoản đầu tư ở vòng gọi vốn thứ nhất của Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn thành công, ông Nguyễn Thuần Chất - đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán G cho biết, việc gọi vốn thành công là do Gpay đã có sẵn hệ sinh thái, mô hình, kết quả kinh doanh thuyết phục và có chiến lược rõ ràng, cùng với đó là đội ngũ sáng lập giàu kinh nghiệm. Nhưng điều quyết định là công ty đã nhìn ra cơ hội trong khó khăn để tận dụng thời cơ, mở rộng quy mô, thị trường. “Thời điểm Gpay ra mắt đã đánh đúng vào nhu cầu giao dịch điện tử, giải quyết được vấn đề của xã hội” - ông Chất chia sẻ.

Dự án Got It cũng là một startup gọi vốn thành công với hơn 25 triệu USD. Nền tảng đã giải quyết bài toán về giáo dục trực tuyến giữa đại dịch Covid-19. Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn, anh Trần Việt Hùng - CEO & Founder Got It cho rằng, việc huy động vốn với một startup là việc rất cần thiết. Có 3 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm, đó là sản phẩm, thị trường và đội ngũ. Startup phải trả lời được 3 câu hỏi: Sản phẩm có “gãi đúng chỗ ngứa” của người dùng không; thị trường có màu mỡ hay không; có đội ngũ để đi đường dài không?

Nhìn nhận thực tế, Chủ tịch Quỹ đầu tư BestB Capital Phạm Anh Cường cho rằng, các startup Việt mặc dù có ý tưởng rất tốt, tuy nhiên trong quá trình hợp tác lại nảy sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên là đa phần startup thiếu khả năng quản trị, thiếu tính thực tế trong môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, các startup khá lạc quan vào thị trường, các bạn cứ nghĩ rằng mình là người đi đầu nên có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường, mà không biết rằng trong kinh doanh các đối thủ có nhiều cách để sao chép, biến tấu ý tưởng. Do đó, muốn hút được vốn đầu tư, bản thân startup cần thay đổi và nhanh nhạy hơn. Trong mối quan hệ với nhà đầu tư cần để họ ở cùng chiến tuyến để đồng hành.

Theo số liệu của Văn phòng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST-Đề án 844), hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam hiện có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt. Đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần