KTĐT - Bạn đừng bao giờ bỏ phí thời giờ vô ích suy nghĩ “nên hay không nên", bởi đấy là một cách lãng phí thời gian vô cùng, chưa kể còn làm cho đầu óc thêm mệt mỏi.
Nói một cách sách vở, chúng ta có được sự bình yên khi đầu óc và tinh thần đạt trạng thái cân bằng và biết cách duy trì trạng thái này, ngay cả khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng.
Trạng thái yên ổn về tinh thần được coi là nhu cầu thiết yếu thứ nhì sau nhu cầu “tiện nghi”. Đa số trong chúng ta đều luôn trong trạng thái trăn trở không yên.
Mỗi khi rơi vào trạng thái trăn trở ở mức độ tột cùng, ai cũng muốn vứt công việc đấy, bỏ đi đâu thật xa để trốn tránh một thời gian cho “lại sức”, rồi khi quay về lại tiếp tục “vật lộn”.
Quỹ thời gian của mỗi người có hạn nhưng hầu như ai cũng tận dụng tối đa để “quy” thời gian ra càng nhiều tiền càng tốt. Và dĩ nhiên, chẳng ai trả tiền cho bạn để bạn “yên ổn” cả.
Nhưng bạn cũng không nên vì thế mà bi quan, vẫn có rất nhiều giải pháp để dần dần tôi luyện bản thân, tiếp cận tới sự bình yên.
Cuộc đời mà yên lặng quá thì cũng... khó mà “yên” được. Thử tính lại xem bao nhiêu lần bạn cảm thấy cuộc đời này thật buồn chán khi cứ “yên” như thế!
Cái chính là bạn cần trang bị cho mình một thái độ sống tích cực, tạo điều kiện để đầu óc miễn nhiễm khỏi những con “virus” gây khó chịu tràn ngập trong không khí sống hàng ngày.
Không can thiệp vào chuyện người khác
Đa số trong chúng ta tự gây ra vấn đề cho bản thân mình bởi thường xuyên can thiệp vào chuyện của người khác. Chúng ta làm vậy bởi chúng ta nghĩ rằng những chuyện ấy sẽ đi theo chiều hướng tốt hơn nếu làm theo cách của chúng ta.
Rồi thì tư duy logic của chúng ta là hoàn hảo và những ai không thuận theo thì đáng bị chỉ trích và phải được điều chỉnh theo hướng mà chúng ta cho là đúng.
Cách suy nghĩ này đã triệt tiêu sự hiện diện của cái tôi cá nhân. Con người được tạo ra không ai giống ai. Không có hai cá thể nào lại cùng nghĩ hay hành động giống hệt nhau.
Vậy nên hãy chấm dứt, chú tâm vào việc của mình để người khác yên thân.
Lãng quên và tha thứ
Đây là biện pháp cực kỳ hiệu quả bởi nếu bạn thực hiện được thì coi như bạn đã chạm tới được sự bình yên. Chúng ta thường giữ trong mình những cảm xúc tiêu cực về những con người đã từng nói xấu hay hãm hại mình.
Việc ghi nhớ những gì không hay đã xảy ra sẽ không có ích lợi gì ngoài việc nó sẽ ăn mòn trí óc của bạn, tiếp tục lưu chúng trong suy nghĩ sẽ chỉ làm bạn thêm bứt rứt, khó chịu.
Người ta vẫn nói đến “karma” - hãy để Người làm sứ mệnh của mình, bản thân mình chỉ cần quên đi, tha thứ và tiếp tục sống.
Đừng khao khát sự thừa nhận
Thế giới này đầy ắp những kẻ ích kỷ, đó là những kẻ ít khi tán thưởng người khác. Những kẻ đó có thể khen ngợi bạn vì bạn giàu có và quyền lực nhưng nếu bạn chẳng may sa cơ lỡ vận, không còn quyền lực trong tay, họ sẽ bỏ qua những gì bạn đã từng đạt được và bắt đầu chỉ trích bạn. Nói cho cùng, không ai là hoàn hảo cả.
Vậy nên sao lại phải tin vào những lời khen ngợi. Tại sao bạn lại phải khao khát sự thừa nhận đến vậy thay vì tin vào bản thân mình. Những lời khen không tồn tại lâu dài. Xét cho cùng, bạn làm việc đâu phải để được thừa nhận.
Vượt qua sự ghen ghét
Ai trong chúng ta cũng từng trải qua và thấy được rằng sự ghen ghét gây phiền toái đến nhường nào. Rõ ràng, bạn thấy mình làm việc chăm chỉ hơn đồng nghiệp khác nhưng trong khi họ được thăng chức còn bạn thì không.
Bạn có nên ghen tị không? Dĩ nhiên là không, bởi sự ghen ghét không đưa bạn tiến xa được, cũng không giúp bạn gặt hái được điều gì ngoài sự trăn trở, dằn vặt không yên.
“Nhập gia tùy tục”
Bạn nên biết thay đổi bản thân khi muốn hòa nhập vào một môi trường mới, bởi nếu bạn muốn thay đổi một môi trường, một mình bạn sẽ không thể thực hiện được.
Khi bạn có sự nỗ lực cố gắng thay đổi để hòa nhập thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn rất nhiều.
Chấp nhận rủi ro
Mỗi ngày, chúng ta lại phải đối mặt với hàng loạt những điều không thuận lợi, những chuyện khó chịu và những sự cố nằm ngoài kiểm soát. Bạn phải học cách chấp nhận thực tại ngay cả khi thực tại không tươi đẹp và sáng sủa như trông đợi.
Điều quan trọng, bạn phải giữ vững niềm tin thì dần dần bạn sẽ có được sự kiên nhẫn, có được nội lực và quyền lực.
Đừng cố quá sức
Chúng ta thường đứng ra nhận nhiều trách nhiệm hơn khả năng có thể, đây là một biểu hiện của sự thỏa mãn cho cái tôi cá nhân. Nhưng bạn nên biết rõ những giới hạn của mình, bạn cần chia sẻ quỹ thời gian cho nhiều việc, không dành quá nhiều thời gian cho một việc.
Tập luyện thể thao với các môn như Tai Chi, Yoga đều rất thích hợp để lấy lại cân bằng về thể lực và cả trí lực. Tập luyện sẽ giúp bạn bớt nghĩ tới những điều không cần thiết, tạo khoảng trống cho sự bình yên.
Thiền đều đặn
Thiền khiến chúng ta gạn lọc được những suy nghĩ trong đầu để đạt được trạng thái cân bằng, bình yên. Chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh 30 phút mỗi ngày, dần dần bạn sẽ bình thản và điềm tĩnh trong suốt 23 tiếng đồng hồ và 30 phút còn lại.
Bạn sẽ cảm thấy không dễ nổi cáu hay khó chịu như trước nữa. Dĩ nhiên là đạt được trạng thái này, bạn sẽ hoàn thiện công việc tốt hơn trước rất nhiều, trong một thời gian ngắn.
Không bao giờ để đầu óc trống rỗng
Một tâm trí trống rỗng sẽ là khoảng không để những ý tưởng tiêu cực nảy sinh. Tất cả những mưu mô cũng được sinh ra từ đây. Bạn hãy giữ đầu óc tập trung tới những điều tích cực trong cuộc sống, từ những sở thích hàng ngày của bạn thay vì cứ nghĩ đến tiền! Đọc sách vào những lúc rảnh rỗi cũng là cách để cứu rỗi đầu óc bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Không trì hoãn và đừng hối tiếc
Bạn đừng bao giờ bỏ phí thời giờ vô ích suy nghĩ “nên hay không nên", bởi đấy là một cách lãng phí thời gian vô cùng, chưa kể còn làm cho đầu óc thêm mệt mỏi. Bạn không bao giờ lường trước được hết tất cả mọi việc có thể xảy ra như thế nào.
Bạn hãy trân trọng thời gian của mình và làm những việc có ích. Thất bại là chuyện thường tình, rút ra những bài học kinh nghiệm rồi bạn sẽ thành công trong những lần sau. Chứ ngồi thừ ra băn khoăn, lo lắng sẽ không đưa bạn đi tới đâu cả.
Bạn hãy rút kinh nghiệm từ những lần vấp váp chứ không nên tiếc nuối và chần chừ./