Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, việc thực hiện Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” đã đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra về sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực vẫn cần sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành. Nhiều thách thức Tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP Hà Nội” do Sở Nội vụ tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cùng thống nhất nhận định: Hà Nội đang có 3 lợi thế lớn nhất về nguồn nhân lực. Thứ nhất, sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới với trên 7,1 triệu người, trong đó gần 3,8 triệu người trong độ tuổi lao động. Thứ hai, nhân lực tại Hà Nội có trình độ học vấn và chuyên môn cao nhất cả nước, với gần 50% dân số trong độ tuổi lao động tốt nghiệp THPT trở lên; hàng trăm trụ sở cơ quan từ T.Ư đến các tổ chức chính trị - xã hội, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... Thứ ba, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu phân bố lao động đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong khu vực dịch vụ - công nghiệp.
Tuy có lợi thế, nhưng theo các chuyên gia, việc quy hoạch, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực ở Hà Nội đang bộc lộ những điểm yếu cần được quan tâm tháo gỡ. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng, những tác động của quá trình đô thị hóa nhanh đã tạo làn sóng di cư tự do vào TP ngày càng gia tăng, nhưng đó thường là lao động mang tính mùa vụ có trình độ học vấn rất thấp và không có chuyên môn kỹ thuật, không có nghề nghiệp cố định… Trong khi đó, nguồn nhân lực của Hà Nội lại đang mất cân đối với tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, phân bố lao động chưa hợp lý. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế gần đây đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trên địa bàn nên các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công của Hà Nội đang gặp không ít khó khăn, hiệu quả thấp do môi trường làm việc và điều kiện thu nhập chưa đảm bảo.. Nâng cao chất lượng tuyển dụng Để góp phần giải quyết bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn nhân lực Hà Nội hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất chính là đổi mới, nâng cao chất lượng ngay từ khâu tuyển dụng nhân sự. Trước hết, TP cần sớm hoàn thiện và thực hiện các đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ quan đơn vị trong việc tuyển dụng. Ông Tạ Quang Ngải - Trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng tuyển dụng (Sở Nội vụ) kiến nghị: Về vấn đề thẩm quyền tuyển dụng viên chức, TP cần phân cấp theo hướng: Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP tuyển dụng viên chức cho đơn vị mình; các sở tuyển dụng viên chức cho các đơn vị trực thuộc; còn UBND TP tổ chức tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quận, huyện, thị xã. Về thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã nên giao cho UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Đối với nhân lực trong các DN Nhà nước, TP nên sớm rà soát lại chất lượng để xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực đến năm 2020. Trong đó cần quan tâm tới việc phân loại chính xác đối tượng đào tạo bồi dưỡng để tránh tình trạng cử đi học tràn lan. Đặc biệt có kế hoạch đào tạo nhân lực trẻ có phẩm chất và năng lực tốt tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu để trở thành những chuyên gia đầu ngành của TP, như kinh doanh, y tế, giáo dục, văn hóa... khi có điều kiện thì gửi đào tạo ở nước ngoài.