Nguy cơ "ô nhiễm trắng"
Khó có thể tính toán hết được sự tiện lợi của túi nylon đối với người tiêu dùng. Chúng hiện hữu trong tất cả sinh hoạt đời sống của con người. Sau khi sử dụng, túi nylon được thải ra, tràn ngập khắp các bãi rác, vương vãi khắp các hệ thống mương máng, bị vùi dưới đất sâu.
Theo các nhà khoa học, túi nylon rất khó phân hủy. Khi thải túi nylon ra môi trường, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân huỷ được. Sự tồn tại của chúng trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nylon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nylon hiện được các nhà môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".Nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng tràn lan các loại túi nylon trong sinh hoạt chính là sự dễ dãi và thiếu trách nhiệm của cả người cung cấp lẫn người sử dụng. Người bán hàng luôn sẵn sàng đưa thêm một hoặc vài chiếc túi cho khách hàng được yêu cầu, còn người mua thường không mang theo túi thân thiện môi trường vì chắc chắn rằng, khi mua hàng hóa sẽ có túi nylon để xách về.
Phát túi nylon sạch cho người mua hàng tại Co.opMart Hà Nội.Ảnh: Việt Hùng
Sử dụng túi thân thiện với môi trường
Từ nguy cơ "ô nhiễm trắng", mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường" năm 2012 với chủ đề "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường" trên địa bàn TP. Kế hoạch nhằm tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về tác hại của túi nylon đối với môi trường. Từ đó nâng cao ý thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc tạo thói quen hạn chế sử dụng túi nylon, hướng đến không sử dụng túi nylon và thay thế bằng túi thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, giới thiệu và đưa đến tận tay người dân những sản phẩm túi tái sử dụng, có những đặc tính cao về công năng, an toàn và thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội chia sẻ, để nâng cao nhận thức của người dân, hoạt động này được duy trì thường xuyên hàng năm nhằm giảm thiểu túi nylon thải ra môi trường. Kinh phí hoạt động chủ yếu lấy từ Quỹ và nguồn xã hội hóa, bằng cách huy động từ các tổng công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Chương trình mang thông điệp xanh tới người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống, thông qua việc hạn chế sử dụng túi nylon, hướng tới không sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày.