Tại Việt Nam, vài chục năm trở lại đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp túi nylon ngập tràn ở các siêu thị, chợ và các cửa hàng bán lẻ. Từ chị bán hàng rong đến người bán đồ ăn đều tích trữ túi nylon để gói hàng cho khách. Người tiêu dùng cảm thấy tiện khi sử dụng chúng để đựng đồ.
Kể từ khi ra đời, với các đặc tính không thấm nước, bền vững trong các điều kiện tự nhiên, túi nylon được coi là một phát kiến vĩ đại trong cuộc sống của con người. Nhưng giờ đây, các chuyên gia môi trường cho rằng, chính đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên, khiến cho túi nylon trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường.
Phát túi thân thiện với môi trường miễn phí tại Chợ Hôm. Ảnh: Trần Đức
Sau khi sử dụng, túi nylon bị thải ra, tràn ngập ngoài bãi rác, vương vãi khắp các hệ thống kênh rạch, mương máng, bị vùi dưới đất sâu đến hàng trăm năm sau mới có thể phân huỷ hết. Chúng gây ra tình trạng tắc nghẽn cống rãnh, tạo điều kiện cho muỗi và bệnh dịch phát sinh, dẫn đến tình trạng ngập lụt, làm xói mòn, thoái hóa đất đai, ứ đọng nước thải, hạn chế sự phát triển của cây trồng.
Khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC) cuối năm 2008 cho thấy, bình quân mỗi gia đình ở Hà Nội sử dụng trên 10 túi nylon siêu mỏng mỗi ngày. Như vậy, với khoảng 800.000 hộ gia đình sinh sống trong các quận nội thành, sẽ thải ra 9 triệu túi nylon một ngày, tương đương 3.240 tỷ túi nylon một năm.
Trong khi túi nylon siêu mỏng được sản xuất thủ công rất độc hại. Nhiều cửa hàng bán thực phẩm ăn chín vẫn thản nhiên sử dụng các loại túi này để đựng đồ. Rất nhiều túi nylon bị thải loại trong các bãi rác được đồng nát thu gom và bán lại cho các cơ sở tái chế, biến nylon mất vệ sinh trở lại thành túi, không đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.
Túi nylon được làm từ nhựa PTE không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi nylon mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng từ 70 - 80 độ C, những chất phụ gia sẽ có phản ứng và gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Những loại túi nylon nhuộm màu xanh đỏ chứa các kim loại như chì, cadimi… khi dùng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm, gây ra tác hại xấu cho bộ não của con người và là nguyên nhân chính gây ung thư.
Túi nylon có chứa chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mêtan và chất dioxin cực độc, gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ.Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nylon và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, các loại túi này có đặc tính sử dụng nhiều lần, dễ dàng tái chế, và thân thiện với môi trường vì được sản xuất từ các vật liệu tự nhiên không độc hại như đay, gai...
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, vấn nạn "ô nhiễm trắng" ngày càng trở thành mối nguy hại lớn đối với môi trường, phải có những biện pháp xử lý cấp thiết. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã giao Sở TN&MT cho phép Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội thực hiện dự án "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường".
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội chia sẻ, hoạt động này cung cấp các thông tin cần thiết tới người dân về ý nghĩa của việc thu gom và xử lý túi nylon một cách hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; Giới thiệu và đưa đến tận tay người dân những sản phẩm túi thân thiện với môi trường (túi vải, túi giấy); Tạo ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng…
Dự án "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường" kéo dài trong vòng 2 tháng, từ tháng 10 đến hết tháng 11/2012. Dự án được thực hiện tại 4 điểm chợ và siêu thị trong nội thành Hà Nội (Chợ Hôm, Chợ Đồng Xuân, Chợ Hà Đông, Siêu thị Fivimart Mỹ Đình). Đây là những điểm tiêu thụ một lượng lớn túi nylon mỗi ngày. |