Sự hy sinh hay quyền lựa chọn?

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bây giờ về quê, tôi vẫn hay nghe người ta nói với nhau “thằng cu Tèo có bố đi làm nước ngoài, gửi nhiều tiền về sướng nhỉ, cái Hoa mẹ mới gửi áo mới cho đẹp thế". Định nghĩa sướng của họ là có nhiều tiền, nhưng bao nhiêu là nhiều?

Mười lăm năm trước, chị dâu gọi điện cho tôi để hỏi “chị có nên đi xuất khẩu lao động không, chị suy nghĩ cả tuần nay mà chưa quyết định được, hoặc là chị đi hoặc là anh".
Trước tiên để đi được phải có tiền, mà nông dân lấy đâu ra số tiền lên đến cả trăm triệu, thế là cắm sổ đỏ vay mượn khắp nơi để lo đủ tiền đi. Chị dâu tôi từng trăn trở đắn đo rất nhiều xem chị nên đi hay anh, chị suy nghĩ lo đủ thứ, lo sang bên đó không có việc làm, không kiếm được đủ tiền gửi về trả nợ, lo phải xa con, xa gia đình… xưa nay cả hai anh chị đều chưa từng đi đâu xa, giờ phải quyết định đi đến một nơi xa lạ 3 năm.
Chị bảo, thật tâm chị không muốn ai đi hết, chị muốn vợ chồng cùng ở nhà làm ăn nuôi dạy con, nhưng ở quê làm chỉ đủ nuôi miệng, không dư giả để cất cái nhà hay lo cho con cái ăn học sau này, nên buộc phải phải. Cuối cùng chị chấp nhận để anh đi, còn chị ở nhà chăm lo cho 2 đứa con.
 Công nhân lao động tại một công trình ở Nhật Bản.
Qua ngày đầu tiên anh được đưa đến công ty nhận việc, tối anh gọi điện đã khóc vì nhớ nhà. Những ngày sau anh bật khóc nhiều hơn, khóc vì đi đâu cũng thấy xa lạ, đến công ty người ta nói không hiểu tiếng,... bao nhiêu áp lực đổ dồn cùng một lúc, anh cảm thấy áp lực, cảm thấy hối hận, anh vừa khóc vừa nói với mẹ tôi rằng “biết thế con không đi, con thấy khổ quá, đi làm mệt không khổ mà mỗi khi về lại lủi thủi nấu ăn một mình cho qua bữa, nhớ cơm nhà, nhớ những bữa ăn vui vẻ với anh em", nhưng giờ không thể quay đầu, nếu giờ bỏ về thì tiền đâu trả nợ.
Phải mất một tháng anh mới ổn định được tâm lý, nhưng công ty ít việc, nếu chỉ lương công ty thì không thể đủ trả nợ. Vậy là anh kiếm việc làm thêm, ngày cuối tuần anh theo chân vài người đi trồng cây dọn cỏ hay làm bất cứ việc gì người ta thuê. Anh cứ làm quần quật như thế, trừ khi không có người thuê anh mới chịu ở nhà nghỉ ngơi, vì hễ ở nhà lại buồn, nhớ gia đình.
Làm nhiều, nhịn ăn nhịn tiêu nhưng số tiền bỏ ra cũng không được bao nhiêu, và phải mất hơn một năm mới trả hết được số tiền vốn ban đầu đã vay. Anh vẫn chăm chỉ làm ngày làm đêm, chỉ mong gửi được tiền về để lo cho gia đình, con cái có cuộc sống tốt nhất. Con cái anh ở nhà không thiếu thứ gì nhưng đâu biết anh bên xứ người thiếu thốn đủ thứ, vì cái gì cũng đắt đỏ, tính ra tiền Việt là tiếc không dám mua.
Bữa ăn đôi khi cũng chỉ qua loa gói mì cho xong, nhiều lúc thèm được ngồi cà kê với bạn bè đôi ba chén rượu, chai bia cũng không được, rồi thèm ăn món này món kia. Thi thoảng may mắn có người cùng quê sang sẽ gửi đủ thứ, từ lọ dầu gió, bịch mì phở, gói cà phê, thậm chí là cả quần áo vì mua ở Việt Nam rẻ hơn.
Ai nói đi lao động nước ngoài sướng là vì họ chưa từng trải qua cuộc sống ấy, người ta chỉ biết nhìn vào những gì con cái của người khác đang hưởng thụ và mặc định luôn rằng ở xứ người những người lao động kia cũng có cuộc sống như thế. Ngoài ra, khi chấp nhận xa vợ/chồng là họ chấp nhận rủi ro tan vỡ gia đình, khi con cái thiếu tình thương sự chăm sóc của bố hoặc mẹ sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống, dễ hư hỏng.
Ở quê tôi không thiếu những trường hợp như thế, vợ đi lao động nước ngoài, chồng ở nhà không lo làm ăn, chỉ ngồi đó chờ vợ gửi tiền về rồi sinh thói tật xấu rượu, chè, bài bạc gái gú, con cái bỏ bê không quan tâm, con hư đường con và bố hỏng đường bố. Tới lúc người vợ trở về, nhìn chồng con mà chán nản, thấy tiếc cho sự hy sinh bao nhiêu năm qua của mình, tưởng rằng sẽ giúp gia đình tốt hơn, ai ngờ gia đình không còn nữa, họ lại bỏ đi tiếp.
Thế nên đừng ai bảo những người đi lao động nước ngoài là sướng, rồi khi thấy những khổ cực họ phải chịu thì nói đó là con đường do họ lựa chọn. Đúng là họ đã chọn con đường ấy nhưng đó là lựa chọn hy sinh, hy sinh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái họ chứ không phải vì bản thân họ.