Sự kiện kinh tế: Thủ tướng dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế, bán cổ phần Sabeco, Bộ Công Thương thu gần 110.000 tỷ, sẽ giám sát vốn, tài sản ở một loạt Tập đoàn lớn của Nhà nước, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến thu gần 4.000 tỷ trong đợt IPO... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế

 Thủ tướng dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh VGP/Quang Hiếu.

Sáng 20/12, dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là cơ hội để “chúng ta tiếp tục lắng nghe các thời cơ, các nguy cơ của hội nhập để chủ động hơn”.

Vì thế, để không lãng phí trí tuệ của các đại biểu, Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nên soạn thảo một cuốn kỷ yếu, tập hợp tất cả các ý kiến phát biểu để cho các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu bởi “chỉ nói qua thì chưa thấm, chưa chuyển thành hành động được đâu, các đồng chí bận rộn nhiều công việc, dễ lãng quên”.

Cho rằng hội nhập thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, Thủ tướng cho biết, trong đó, thấy rất rõ là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2017 đạt con số kỷ lục 400 tỷ USD. Thu hút FDI đạt thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD, ứng xử của các doanh nghiệp FDI đã tốt hơn. Nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, nhiều thị trường mới được mở ra. Nhờ hội nhập, chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành, sản phẩm đã được hình thành ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, phải nhìn nhận các bất cập, tồn tại mà nếu chúng ta làm tốt hơn thì kết quả đầy đặn hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước. Sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập.

Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập là vấn đề rất lớn. Chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cho nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập, Thủ tướng nói.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước. Do đó, những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.

“Tiến trình hội nhập nói chung, đặc biệt là kinh tế quốc tế cần phải có quyết tâm cao, với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành”, Thủ tướng nêu rõ. “Không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn, chúng ta nửa vời thì chúng ta thất bại”.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bán cổ phần Sabeco, Bộ Công Thương thu gần 110.000 tỷ
 Bán cổ phần Sabeco, Bộ Công Thương thu gần 110.000 tỷ.
Chiều 18/12, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ.
Tại phiên đấu giá, có hai lệnh mua được đưa vào hệ thống của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã đăng ký trước đó. Một lệnh gom trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu với giá 320.000 đồng/cổ phiếu và một lệnh mua 20.000 cổ phiếu với giá 320.500 đồng/cổ phiếu.
Kết quả cả hai lệnh mua đều khớp thành công với giá bình quân 320.000 đồng/cổ phiếu và toàn bộ 343,66 triệu cổ phiếu chào bán đã được mua hết. Số tiền thu về xấp xỉ 110.000 tỉ đồng.
Với kết quả này, nhà đầu tư tổ chức theo công bố của Bộ Công Thương trước đó là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua được hơn 343,642 triệu cổ phiếu SAB, với giá hơn 109.965 tỉ đồng.
Nhà đầu tư cá nhân mua được 20.000 cổ phiếu Sabeco, trị giá 6,4 tỉ đồng là ông Ngô Vinh Hiển đến từ Hà Nội.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết Vietnam Beverage - một công ty có liên quan đến ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi muốn đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu trên 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco, với khối lượng đăng ký mong muốn mua là 327 triệu cổ phần, tương đương gần 51% vốn điều lệ của Sabeco.
Mặc dù vậy, sau khi mua thành công tỷ phú Thái người sở hữu Vietnam Beverage đã tạm lỗ khoảng hơn 11.000 tỷ do giá cổ phiếu Sabeco hôm 20/12.
Kết thúc phiên giao dịch mở cửa khớp lệnh sáng 20/12, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) lao thẳng ngay xuống giá sàn, ở mức 267.500 đồng/cổ phiếu, giảm 20.100 đồng/cổ phiếu khiến Vietnam Beverage đã “tạm lỗ” khoảng 11.134 tỷ đồng
Công ty Vietnam Beverage được thành lập 6/10, có trụ sở đặt tại Hà Nội. Đơn vị này có vốn điều lệ 682 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100% vốn.
Trong khi đó, Đầu tư F&B Alliance Việt Nam lại là đơn vị do Beerco Limited-công ty con của ThaiBev, doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á.
Chuẩn bị giám sát vốn, tài sản ở một loạt Tập đoàn lớn của Nhà nước
 Chuẩn bị giám sát vốn, tài sản tại EVN. Ảnh minh họa.
Đoàn giám sát của Quốc hội hiện đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho đợt giám sát quản lý, sử dụng vốn tại khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn như EVN, Viettel...
Cuộc giám sát này có nội dung đầy đủ là: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016".
Đây là chương trình giám sát tối cao và duy nhất đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua và triển khai trong năm 2018.
Đoàn giám sát sẽ làm việc với nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)...
Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải... và các Nhà tài trợ vốn ODA như JICA, OPEC, ADB, WB.
Vừa qua, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy: các đòa kiểm toán đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót....
Lọc hóa dầu Bình Sơn IPO dự kiến thu gần 4.000 tỷ đồng
Lọc hóa dầu Bình Sơn IPO dự kiến thu gần 4.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Theo đại diện của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), giữa tháng 1/2018 nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ mở phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo đó BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về sau khi bán khoảng 4.000 tỷ đồng.
Với giá trị vốn hóa trên thị trường lên đến 3,2 tỷ USD, BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Được biết, sau khi gửi thư mời, BSR nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 Tập đoàn lớn ở Tây Ban Nha, Mỹ, Mexico, châu Phi... muốn tham gia làm đối tác chiến lược.
Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu đặt vấn đề mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%) gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Ngoài ra, một số tập đoàn dầu khí trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty dầu khí lớn nhất của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait cũng đã đánh tiếng mua cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hiện tại công ty đang lựa chọn cổ đông chiến lược vì thế thời điểm này BSR chưa chốt danh sách. Tới đây, BSR sẽ phải bàn thảo rất kỹ lưỡng với các đối tác về những chiến lược hợp tác cụ thể.
Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn đang thực hiện dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất thêm 30% công suất so với hiện tại đạt mức 8,5 triệu tấn/năm, nâng chất lượng sản phẩm đạt mức tiêu chuẩn EURO V...

Năm 2017, nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt doanh thu 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.000 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 400 tỷ USD
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 400 tỷ USD. Ảnh minh họa
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, hệ thống hải quan đã ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD hôm 12/12, khẳng định bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 30 tỷ USD năm 2001. Sau 6 năm, con số này tăng lên 100 tỷ USD sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến năm 2011, quy mô xuất nhập khẩu tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2015.
Giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chạm mốc 400 tỷ USD. Tổng cục Hải quan dự kiến hết năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sẽ đạt 410 tỷ USD.
Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 năm 2007 lên 26 năm 2016, theo xếp hạng của WTO. Trong khi đó, nhập khẩu cũng tăng lên từ 41 năm 2007 lên vị trí thứ 25 trong năm 2016 và sẽ tiếp tục thăng hạng trong năm nay.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng từ mức 30 tỷ USD lên 400 tỷ USD có thể coi là kỳ tích. vào đầu những năm 1990, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD, trong khi của châu Phi là 26 tỷ USD.
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa của châu Phi hiện chưa được 100 tỷ USD, mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ giao thương quốc tế có sự cải tiến rõ rệt.