Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Cam kết hỗ trợ để kinh tế sớm phục hồi

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5, thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng, nhiều lãnh đạo Bộ, ngành đã cam kết hỗ trợ doanh nghiệp để kinh tế sớm phục hồi.

Thủ tướng: "Ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại"
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5, Thủ tướng và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành đã bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam vẫn theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, là vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế, để "ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát". 
Theo Thủ tướng, trước khó khăn của đại dịch, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nền kinh tế. Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đi qua thì nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo nén lại, giờ là lúc phải bung ra. 
[Sự kiện kinh tế tuần] Cam kết hỗ trợ để kinh tế sớm phục hồi - Ảnh 1
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp ngày 9/5. Ảnh Quang Hiếu
"Lúc này chúng ta phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng 5%, cao hơn dự báo của IMF và kiểm soát lạm phát dưới 4%", Thủ tướng nhấn mạnh. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý "Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Giờ là lúc bàn tới chính sách tăng tốc, đòn bẩy cho phát triển".
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị nên có 6 nhân tố lúc này là yêu Tổ quốc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo và giữ vững niềm tin. "Đừng cầu không có khó khăn, đừng mong có dễ dàng vì dễ dàng không đến lượt chúng ta. Nếu không sáng tạo, tự mình lùi lại phía sau".
Còn với các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị những chính sách nêu lên phải mới mẻ, có ý tưởng mới thay vì chỉ nói những điều đã biết. Các bộ, ngành cũng cần chống lại sự vô cảm, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp thông qua cắt giảm nhanh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Loạt cam kết hỗ trợ Bộ, ngành

Cũng tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành giảm lệ phí môn bài, miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên phụ liệu, giảm sâu phí và lệ phí đăng ký doanh nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất giải pháp để Chính phủ xem xét, trong đó tiếp tục các mục tiêu giảm thuế, chính sách giảm thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân...

Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trong đó có dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2018 và dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế nhập khẩu một số mặt hàng dệt may, da giày, ô tô, linh kiện ô tô sản xuất trong nước...

Hiện Bộ Tài chính đã ban hành 8 thông tư về miễn giảm phí và lệ phí, thời gian tới bộ này sẽ ban hành thêm 11 thông tư về vấn đề này, giúp doanh nghiệp, người dân lúc khó khăn.

[Sự kiện kinh tế tuần] Cam kết hỗ trợ để kinh tế sớm phục hồi - Ảnh 2
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cam kết sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng, đồng thời sẽ xem xét giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, giảm chi phí, giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống vào cuộc để xử lý nghiêm trường hợp, gây phiền hà doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị: "Phát triển các gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội".

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, sẽ chủ động phối hợp các hiệp hội, ngành hàng rà soát khả năng thẩm thấu chính sách, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa làm sao để giúp nền kinh tế bứt phá.

Thứ nhất là phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; tập trung phát triển sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

[Sự kiện kinh tế tuần] Cam kết hỗ trợ để kinh tế sớm phục hồi - Ảnh 3
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Thứ hai, theo Bộ trưởng, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa bằng cách tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu, các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…
Bộ trưởng đã nhắc đến việc xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
“Tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư.
Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất - kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...
Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển…

Bội chi năm 2020 có thể tới 5% GDP

Ủy ban Kinh tế vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của Covid-19. Theo đó, tỷ lệ bội chi năm nay được Quốc hội dự toán ban đầu là 3,44% GDP.

Theo Ủy ban Kinh tế, dự toán thu - chi ngân sách năm nay trở nên khó khăn, khi tăng trưởng GDP khả năng thấp hơn mục tiêu 6,8%, giá dầu thô giảm sâu, tiến độ cổ phần hóa chậm và nhất là sự đóng góp từ khu vực doanh nghiệp giảm sút đáng kể. 

Dự kiến thu ngân sách năm nay sẽ giảm 140.000 - 150.000 tỷ đồng với kịch bản GDP tăng 5,3% và giá dầu bình quân cả năm 30-35 USD một thùng. Trường hợp dịch kéo dài hơn, tăng trưởng GDP thấp hơn thì số hụt thu ngân sách sẽ lớn hơn nhiều. 

 Ảnh minh họa

Thu ngân sách căng thẳng, nhưng chi ngân sách lại chịu nhiều áp lực phải tăng thêm để chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Ủy ban Kinh tế dự báo, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP năm 2020 sẽ tăng 1,5-1,6 điểm %, tức ở mức 5-5,1% GDP - cao hơn chỉ tiêu 3,44% GDP Quốc hội giao.

Về tăng trưởng kinh tế, hiện có nhiều kịch bản dự báo của các tổ chức quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 2,7%, ADB là 4,9%... Hiện Chính phủ chưa đưa ra kịch bản cụ thể nào với tăng trưởng kinh tế nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù ở kịch bản nào thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm nay cũng khó đạt được.

Hoãn sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang

Phương án sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng từ giữa năm 2019 và Bộ Công Thương lấy ý kiến công khai cuối năm 2019.

Tuy nhiên, Covid-19 diễn biến phức tạp nên trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết 100/2019, Bộ Công Thương cho biết đã xin Thủ tướng lùi việc sửa đổi này đến sau khi dịch kết thúc.

Trước đó, theo đề xuất phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt Bộ Công Thương đưa ra, biểu giá này sẽ chia 5 bậc thang thay vì 6 bậc như hiện tại. Giá điện ở bậc thấp nhất (0-100 kWh) là 1.549 đồng, cao nhất trên 700 kWh là 3.105 đồng một kWh.
 Bộ Công thương muốn chậm sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

Bộ Tài chính không đồng ý giảm VAT, phí trước bạ ôtô

Trong tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Covid-19 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ.  

Bộ này lý giải đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với doanh nghiệp, toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, nên không ảnh hưởng đến chi phí.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa quy định theo hướng cho phép hoãn nộp VAT đến tháng 9 với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch.

 Bộ Tài chính không đồng ý giảm phí trước bạ ô tô 

WB: Kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 5/5 đánh giá, điểm sáng kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 vẫn gần tương đương cùng kỳ năm trước và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam, với trên 12 tỷ USD vốn đăng ký trong 4 tháng đầu năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước. Điều đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019.

 Ngân hàng Thế giới (WB)

Tăng trưởng tín dụng đảo chiều tăng lên trong tháng 3 sau khi chững lại trong 2 tháng đầu năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 là 1,3% so với đầu năm - tương đương mức tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm trước. NHNN đã thực hiện gói các biện pháp hỗ trợ từ đầu tháng 3 nhằm cho phép các ngân hàng tái cơ cấu vốn vay và giảm lãi suất cho người vay. NHNN cũng cân nhắc hỗ trợ tăng thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại thông qua việc nâng hạn mức tín dụng, cho phép những ngân hàng này tăng các khoản vay cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.

Dành 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 05 quy định về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/5/2020.

Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày NHNN giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/7/2020.

 Ảnh minh họa

Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn đã được giải ngân theo quy định cho NHNN từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Trường hợp đến hết ngày 31/7, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận thì chậm nhất đến ngày 15/8, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả NHNN số tiền không giải ngân hết. 

NHNN xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại điểm b khoản 3 Mục IV Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các quy định của pháp luật liên quan.

PCI 2019: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trực tuyến vào sáng 5/5, Quảng Ninh dẫn đầu, Hà Nội, Đà Nẵng… tiếp tục top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy những chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.