Sự kiện kinh tế tuần: Fitch đánh giá kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh nhất khu vực; Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; Thanh toán điện tử tại Việt Nam mỗi ngày khoảng 13 tỷ USD... là nội dung chú ý tuần qua.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh nhất khu vực

Ngày 11/6, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings phối hợp với Tạp chí uy tín chuyên về tài chính The Asset đã tổ chức hội thảo chuyên đề đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trước những thách thức vĩ mô.

 Ảnh minh họa
Tại hội thảo, đại diện Fitch Ratings đã chia sẻ về những yếu tố để tổ chức này quyết định nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố nền tài chính và kiềm chế nợ công và đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018. Tổ chức này dự báo nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020.
Fitch dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn FDI lớn vào lĩnh vực sản xuất, trong đó chủ yếu là vào mảng điện tử, nhờ lợi thế chi phí thấp và sự kết nối trong chuỗi cung ứng. Những xu hướng tích cực này sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế ổn định trong ngắn hạn, dù tình hình kinh tế toàn cầu đang suy yếu và mức độ phụ thuộc cao vào thương mại của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và 2020.
Theo đó, Fitch dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ 7,1% năm 2018 xuống còn 6,7% trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, con số này vẫn nằm trong mục tiêu 6,6 - 6,8% mà Quốc hội đặt ra, và Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và 2020 sẽ tiếp tục khả quan, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, ông Võ Hữu Hiển cũng đề cập đến những thách thức từ bên ngoài mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải, như độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, như việc chuyển hướng chính sách xuất nhập khẩu, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam, và những thay đổi trong chuỗi cung ứng và các dòng vốn đầu tư.
Trên cơ sở các thông tin kinh tế vĩ mô lạc quan, ông Võ Hữu Hiển cũng bày tỏ hy vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục được cải thiện, qua đó nâng cao uy tín quốc gia, giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường thông qua việc tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư.
Thời gian qua, quốc tế tiếp tục nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030.
Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế
Ngày 13/6, hơn 91,3% đại biểu tham gia biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Một trong những quy định gây chú ý là Luật sửa đổi lần này được nêu tại Điều 27, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; bảo mật thông tin người nộp thuế...
 Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ảnh: TT báo chí Quốc hội
Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, các nhà băng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...
Bên cạnh đó, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, luật sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online...
Lần sửa đổi này cũng quy định rõ về thẩm quyền khoanh, xoá nợ thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền được xoá khoản nợ thuế quá hạn 10 năm, không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp. Thẩm quyền này với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là mức 5 - 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính được quyền xoá nợ thuế với khoản nợ quá hạn 10 - 15 tỷ đồng và trên 15 tỷ đồng thuộc quyền của Thủ tướng.
Về mức lãi suất phạt chậm nộp 0,03% một ngày, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức lãi suất phạt chậm nộp vì lo ngại mức phạt này thấp hơn mức lãi suất ngân hàng sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm nộp tiền thuế để giảm chi phí.
Giải trình sau đó, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nói, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp, từ 0,07% xuống 0,05% và hiện là 0,03% một ngày.
Theo ông Hải, mức 0,03% một ngày cũng tương đương lãi suất 10,95% một năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường khoảng 4,5-5,5% một năm với tiền gửi dưới 6 tháng và vay ngắn hạn là 6-9% một năm. "Mức tiền chậm nộp hiện nay đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường, nên Uỷ ban Thường vụ xin giữ theo quy định tại dự thảo Luật", ông Hải nói.
Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020. Riêng các quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử tới tháng 7/2022 mới có hiệu lực thi hành.

Quản lý thị trường tổng kiểm tra toàn quốc các cửa hàng xăng dầu

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) yêu cầu cục QLTT các tỉnh, TP đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, lấy mẫu của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; chú trọng đến kiểm định, kiểm tra, kiểm soát về đo lường, chất lượng hàng hoá.

 Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo

Các đối tượng thuộc diện kiểm tra là các đơn vị xuất, nhập khẩu xăng, dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, các hộ kinh doanh xăng, dầu tự phát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu…Nếu phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng, dầu đã bị thu hồi giấy phép.

Đây là động thái cần thiết của Tổng cục QLTT sau khi đường dây sản xuất xăng, dầu giả do Công ty TNHH Mỹ Hưng (tỉnh Sóc Trăng) cầm đầu bị phát hiện.

Không để các startup phải tìm cách ra nước ngoài lập công ty

Đây là mong muốn được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) vừa diễn ra. Phó Thủ tướng hy vọng cộng đồng startup ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, các startup rất cần sự hợp tác, ‘nâng đỡ’ của những DN ‘đàn anh’.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

“Toàn xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông, hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc khác biệt, thậm chí ‘điên rồ’ được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng”, Phó Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng các startup Việt Nam sẽ có bước phát triển mới. Không dừng lại ở các phong trào, sự kiện mà đi vào các chính sách cụ thể, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nhiều sáng kiến của các startup Việt Nam sẽ đi ra bên ngoài, thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

“Các số liệu 3 năm gần đây cho thấy lượng vốn mà các DN startup nhận được từ các quỹ đầu tư tăng rất nhanh. Năm 2016 so với năm 2015 tăng 49%. Năm 2017 so với năm 2016 tăng 42%. Năm 2018 so với năm 2017 tăng 205%. Và hy vọng năm 2019 chúng ta sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Được biết, tại sự kiện này đã quy tụ những tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund; Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Venture, Hanwha..., là các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Đây là diễn đàn đối thoại chính sách đầu tiên giữa các quỹ đầu tư trong và ngoài nước với Chính phủ và cộng đồng start-up Việt Nam, do Bộ KH&ĐT khởi xướng, phối hợp cùng Bộ KH&CN và Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức.