Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Lập đoàn kiểm tra Công ty Con Cưng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra Công ty Con Cưng; Sabeco có tân Tổng giám đốc người Singapore; Cục Hàng không đề nghị giữ nguyên giá trần vé máy bay... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra Công ty Con Cưng
Bộ Công Thương ngày đã ra quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng).
 
Quyết định do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ký. Quyết định nêu rõ, kiểm tra Con Cưng có đăng ký kinh doanh tại 101 - 103 Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1), văn phòng tại tầng 4 Tòa nhà Lawrence S.Ting, 801 Nguyễn Văn Linh (phường Tân Phú, quận 7).
Nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, về chất lượng của hàng hóa, về ghi nhãn hàng hóa, về hoạt động xúc tiến thương mại, về thương mại điện tử, về bảo vệ người tiêu dùng.
Thời hạn kiểm tra là 10 ngày kể từ ngày 24/7/2018. Đoàn kiểm tra sẽ do ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương làm trưởng đoàn.
Ông Trần Hùng cho biết, ông đã nhận được quyết định của Thứ trưởng Đặng Hoàng An và sẽ cùng các thành viên trong đoàn kiểm tra làm rõ việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh của Con Cưng.
Trước đó, đại diện Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM đã có báo cáo nhanh về việc kiểm tra 3 cửa hàng của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng).
Ngày 22/7, Chi Cục quản lý thị trường TPHCM phối hợp với Tổ công tác 334 Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng đầu tiên của Con Cưng.
Tại cửa hàng 833 - 835 Hồng Bàng (phường 9, quận 6), mặt hàng mỹ phẩm kem massage bụng hiệu TiTiOne nhãn hàng hóa tiếng Việt in trực tiếp lên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi nội dung “Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITIONE” chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, VP: 413 đường số 1 , P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TPHCM, Việt Nam”.
Mặt hàng quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com laluna, lebe’, Starter’s, xuất xứ: made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp trên sản phẩm, riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm, số lượng 224 đơn vị sản phẩm, giá trị hơn 48,5 triệu đồng.
Mặt hàng quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com xuất xứ: Made in Vietnam, kèm nhãn giấy trên bao bì ghi thông tin “thành phần, SX tại Việt Nam, Công ty CP Con Cưng và địa chỉ” trong đó một phần hàng hóa trên sản phẩm không có thông tin về hàng hóa, không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm với số lượng 888 đơn vị sản phẩm, giá trị hơn 88,2 triệu đồng.
Mặt hàng mỹ phẩm như phấn, sữa tắm, sữa dưỡng da, dầu gội, nước hoa hiệu Johnon’s và Johnon’s baby do Thái Lan, Philippin, Malaysia sản xuất có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định với số lượng 130 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 12 triệu đồng.
Mặt hàng mắt kính trẻ em không hiệu, có đính kèm nhãn giấy ghi “CF, thành phần, HDSD, HDBQ, NSX, SX tại Việt Nam, Công ty CP Con Cưng và địa chỉ” không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa, số lượng 56 cái, giá trị gần 5 triệu đồng.
Toàn bộ lô hàng hóa tại cửa hàng 833 – 835 Hồng Bàng bị tạm giữ không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Hai cửa hàng bị kiểm tra còn lại là 424 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3 ) và 78 Tôn Thất Tùng (quận 1) cũng có nhiều vi phạm. Điển hình như: không gắn tên địa điểm kinh doanh tại điểm kinh doanh, làm chương trình khuyến mãi khi chưa có sự xác nhận của Sở Công Thương, không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất. Toàn bộ hàng hóa bị tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Sabeco có tân Tổng giám đốc người Singapore
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - HSX: SAB) vừa công bố thông tin Nghị quyết số 89/2018/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm ông Neo Gim Siong Bennett làm Tổng giám đốc từ ngày 1/8/2018, đồng thời thông qua việc miễn nhiệm chức danh này với ông Nguyễn Thành Nam, người từng được Bộ Công Thương bổ nhiệm trước đó một năm.
 
Ông Bennett cũng trở thành người đại diện theo pháp luật thứ 2 của Sabeco, bên cạnh Chủ tịch hội đồng quản trị là ông Koh Poh Tiong. Doanh nhân sinh năm 1969 mang quốc tịch Singapore này cũng đảm nhiệm nhiều vị trí tại các công ty khác thuộc Sabeco.
Ông này còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, DN có vốn điều lệ 10 triệu đồng được thành lập vào tuần trước nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu Sabeco.
Ông Neo cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương, công ty thành viên của Sabeco.
Trước khi đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc, ông Bennett đã được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc cách đây không lâu (ngày 9/5/2018). Được bổ nhiệm cùng ngày là ông Teo Hong Keng phụ trách Phó Tổng giám đốc phụ trách Kế toán, Tài chính và hỗ trợ Sabeco và ông Melvyn Ng Kuan Ngee phụ trách Phó Tổng giám đốc phụ trách Bán hàng của Sabeco.
Ông Neo Gim Siong Bennett là cử nhân kỹ thuật - cơ khí và sản xuất Đại học Nanyang, Singapore. Ông Neo Gim Siong Bennett có hơn 22 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bia, dầu khí, hàng hải và chuỗi cung ứng và đã công tác ở khu vực châu Á, Mỹ và Anh.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông đã thông qua Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới gồm 7 người, trong đó 4 thành viên là người của tỷ phú Thái Lan. Tuy nhiên, không có tên ông Neo Gim Siong Benett.
Đứng đầu danh sách là ông Koh Poh Tiong, quốc tịch Singapore. Thành viên tiếp theo nằm trong kế hoạch tiếp quản Sabeco của Thaibev là bà Trần Kim Nga. Người thứ ba là ông Michael Chye Hin Feh, là một trong những lãnh đạo của tập đoàn Thái Lan. Người thứ tư là ông Pramoad Phornprapha, quốc tịch Thái Lan.
3 ứng viên còn lại đều là người của Sabeco, bao gồm ông Nguyễn Tiến Dũng (kế toán trưởng Sabeco), ông Lương Thanh Hải (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn), ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA).
Trước đó, tháng 12/2017, Thai Beverage - Tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại 53,59% vốn Sabeco.
Cục Hàng không đề nghị giữ nguyên giá trần vé máy bay
Cục Hàng không vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải duy trì khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
 
Theo cơ quan này, mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không thời gian qua chiếm tỷ lệ từ 76 - 79% so với mức giá trần hiện hành, tùy theo từng đường bay. Qua xem xét, việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa là cần thiết, nhất là đối với tuyến đường dài do biến động của giá nhiên liệu.
Tuy nhiên, từ chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá và đảm bảo giữ vững mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát năm 2018, Cục Hàng không đề xuất duy trì khung giá quy định như hiện nay. Đến năm 2019, tùy tình hình thực tế sẽ đánh giá và đề xuất khung giá mới cho phù hợp.
Hiện mức trần giá vé máy bay áp dụng theo quy định từ năm 2015. Cụ thể, mỗi vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội dưới 500km có giá 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng; từ 500km - 800km là 2,2 triệu đồng; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 đến dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng.

Tỷ giá tạm ngừng biến động

Ngày 25/7, một ngày sau khi NHNN nâng mạnh giá bán ra USD, tỷ giá USD/VND đã hãm đà tăng, song vẫn đang ở mức cao.

Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 23.200 - 23.280 đồng/USD, không thay đổi so với phiên giao dịch trước. Trong ngày trước đó, giá bán USD tại nhà băng này đã có lúc tăng lên 23.300 đồng/USD. BIDV giảm 20 đồng xuống mức 23.195 - 23.275 VND/USD. VietinBank giảm 5 đồng xuống 23.180 - 23.270 đồng/USD. Trong khi DongABank và Eximbank đều không thay đổi giữ giá bán ở mức 23.280 đồng/USD.

 

Nếu so với đầu tháng, giá mỗi USD ngân hàng tăng hơn 300 đồng. USD trên thị trường tự do được giao dịch quanh mức 23.400 đồng/USD chiều bán và 23.370 đồng/USD chiều mua. Cuối ngày trước đó, tỷ giá USD chợ đen tăng vọt, chiều bán có lúc lên đến 23.450 VND/USD.

Tỷ giá trung tâm ngày 25/7 do NHNN công bố đứng ở mức 22.654 đồng/USD, không thay đổi. Trong hai ngày 23 và 24/7, cơ quan quản lý đã nâng 234 đồng giá bán ra đồng bạc xanh. Động thái điều chỉnh liên tục được thực hiện sau hơn 20 ngày cơ quan này giảm giá bán USD để can thiệp thị trường ở mức 23.050 đồng/USD ( từ ngày 3 - 22/7).

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (CNY) phá giá gây áp lực lớn đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam vì quan hệ thương mại hai chiều rất lớn. Đồng thời Việt Nam cũng cần giữ lợi thế về xuất khẩu với Trung Quốc. Bên cạnh đó, không chỉ Trung Quốc mà các nước khác như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore… cũng đều giảm giá đồng nội tệ mạnh trong một tháng qua. Ngoài ra, hiện có nhiều dòng thanh toán ngoại tệ cũng như cán cân thương mại Việt Nam đang nhập siêu gần 900 triệu USD trong nửa đầu tháng 7 đã gây áp lực tỷ giá.

Chỉ riêng đồng Nhân dân tệ, mức suy giảm gần 9% trong khoảng ba tháng trở lại đây đã là một trọng số tham khảo và tác động, hay nhiều đồng tiền trên thế giới cũng đã giảm 5 - 7% cùng loạt ngân hàng T.Ư phải tăng lãi suất… “Nếu Nhân dân tệ tiếp tục phá giá nhanh và mạnh như mấy ngày trước đó và Việt Nam duy trì nhập siêu trong tháng 7 thì tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần qua, do nhu cầu của các ngân hàng cao nên NHNN đã bán ra 2,16 tỷ USD trong 6 ngày làm việc tính đến 20/7, qua đó giảm dự trữ ngoại hối xuống dưới 62 tỷ USD, nhưng tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, động thái tăng giá bán USD lên mức 23.273 đồng/USD là do thị trường xuất hình tình trạng thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng. NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Các chuyên gia đánh giá, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá mạnh trong 2 phiên liên tiếp vừa qua đồng nghĩa với việc đẩy tỷ giá lên một mặt bằng mới cao hơn, kéo VND đã giảm giá khoảng 2% so với cuối năm 2017. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trả lại môi trường để tỷ giá phản ánh đúng thực tế hơn các vận động trên thị trường trong nước và thế giới. Trong bối cảnh đó, mức tăng khoảng 2% của tỷ giá USD/VND tính từ đầu năm đến nay không hẳn quá đột biến và vượt tầm kiểm soát.

Và với lợi ích đã được nâng lên, với mức giá cao hơn, người dân và DN có ngoại tệ dễ hài lòng bán ra, tạo cung cho thị trường thay vì găm giữ vì tỷ giá bị kìm nén trước nhiều yếu tố lớn tác động, nhất là từ thế giới bên ngoài.

Giữ ổn định giá xăng, giảm nhẹ giá dầu từ 23/7
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phát đi thông báo về việc điều hành giá xăng dầu vào chiều nay (23/7). Tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ đã quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng và điều chỉnh giảm giá một số loại dầu.

Cụ thể, xăng E5 RON92 và xăng RON95 giữ ổn định giá; Dầu diesel 0.05S giảm 213 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 69 đồng/lít; Dầu mazut giữ ổn định giá.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá như sau: Xăng E5 RON92 không cao hơn 19.611 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 21.177 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.242 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.174 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.756 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON92 853 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 922 đồng/lít); Xăng RON95 95 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 161 đồng/lít); Dầu mazut: 70 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 186 đồng/kg).
Việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn và điều chỉnh giá xăng dầu được áp dụng từ 15h00 ngày ngày 23/7.
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 23/7 là 80,248 USD/thùng xăng RON92 (là xăng nền để pha chế xăng E5 RON92); 82,109 USD/thùng xăng RON95; 84,680 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 86,653 USD/thùng dầu hỏa; 453,214 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Tỷ giá của VND so với USD thời gian qua tiếp tục xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND bình quân trong 15 ngày trước ngày 23/7 là 1USD bằng 23.005VND (tăng 135VND/1USD so với kỳ trước).
Bên cạnh đó, giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo công văn số 859 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.916 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh hôm 7/7, Liên Bộ đã quyết định vẫn giữ nguyên mức giá bán lẻ xăng, tăng giá các mặt hàng dầu hoả, madut lần lượt 189 đồng và 319 đồng một lít/kg. Riêng dầu diesel được giảm 5 đồng mỗi lít.
Theo chu kỳ 15 ngày, 22/7 là ngày cơ quan quản lý công bố giá cơ sở với mặt hàng xăng. Tuy nhiên, do rơi vào ngày nghỉ nên việc công bố giá cơ sở sẽ được chuyển vào hôm nay (23/7).
Trước đó, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối cho rằng hiện doanh nghiệp đang hòa vốn với mặt hàng xăng và lãi khoảng 200 đồng mỗi lít với mặt hàng dầu. Do vậy, trong kỳ điều chỉnh vào ngày 23/7, giá bán lẻ xăng có thể giữ nguyên, giá dầu giảm 200 đồng/lít.