Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Quốc hội giao mục tiêu năm 2020 tăng 6,8% GDP

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội giao mục tiêu năm 2020 tăng 6,8% GDP; Ngân sách trung ương sẽ chi gần 1,1 triệu tỉ đồng vào năm 2020; Xăng tăng giá sau 2 kỳ giảm liên tiếp... là nội dung chú ý tuần qua.

Quốc hội giao mục tiêu năm 2020 tăng 6,8% GDP
Sáng 11/11, Quốc hội đã chốt giao Chính phủ mục tiêu năm 2020 GDP tăng 6,8%, lạm phát kiềm chế dưới 4%. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được 88,2% đại biểu tán thành. Phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019.

 Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. sáng 11/11. Ảnh: Duy Linh

Thảo luận trước đó về nghị quyết này, một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ lý do vẫn đề xuất tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 3%, trong khi thực tế 4 năm qua đều xuất siêu.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, bối cảnh kinh tế, thương mại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Cùng đó, xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng.
Quốc hội đã quyết nghị các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%...
Để hoàn thành các mục tiêu này, Quốc hội đưa ra 11 nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ thực hiện. Trước tiên là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển thương mại cần hạn chế sự phụ thuộc vào một vài thị trường; kiên quyết xử lý chuyển giá, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo phải gắn với bảo vệ môi trường, nhất là với các dự án điện mặt trời. Dự án lưới truyền tải điện phát triển năng lượng tái tạo cần được đẩy nhanh thực hiện, cùng đó là hoàn thiện khung pháp lý về giá điện.
Ngân sách trung ương sẽ chi gần 1,1 triệu tỉ đồng vào năm 2020
Với 437 đại biểu tán thành, 2 đại biểu không tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 vào sáng 14/11. Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768.636 triệu đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng.
 Ảnh minh họa
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng, trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong luật và nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước.
Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Quốc hội giao Chính phủ phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, bảo đảm yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; phân bổ trong điều hành ngân sách đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách, xác định được nhiệm vụ, nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay từ đầu năm.
Đồng thời trong việc quản lý, điều hành, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kịp thời thu hồi về ngân sách trung ương các khoản kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương còn dư hoặc hết nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật.
Xăng tăng giá sau 2 kỳ giảm liên tiếp
Sau 2 đợt giảm giá, giá xăng bán lẻ trong nước tăng trở lại từ chiều 15/11. Trong 15 ngày trước kỳ điều hành ngày 15/11, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có biến động tăng giảm đan xen nhưng chủ yếu là tăng. Vì vậy, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.
  Ảnh minh họa
Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 305 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 255 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 19.507 đồng/lít và 20.796 đồng/lít với xăng RON 95.
Trong khi đó, các loại dầu lại được điều chỉnh giảm. Dầu diesel giảm 94 đồng/lít; dầu hỏa giảm 169 đồng/lít; dầu mazut giảm 575 đồng/kg.
Sau khi giảm, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 15.963 đồng/lít; dầu hỏa là 14.968 đồng/lít; và dầu mazut là 11.942 đồng/kg. Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Trong khi đó, mức trích lập của xăng RON 95 là 300 đồng/lít.
Trong lần gần nhất giá xăng dầu được điều chỉnh là ngày 31/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu.

Xăng RON 95 giảm 350 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 218 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, giá xăng RON 95 bán lẻ trên thị trường là 19.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 20.445 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm 121-299 đồng một lít, kg tùy loại.
Việt Nam thất thu 50.000 tỷ mỗi năm vì ưu đãi thuế
Theo tính toán của Oxfam, vì ưu đãi thuế kéo dài, Việt Nam mỗi năm thất thu 50.000 tỷ đồng, đủ để xây mới 25 bệnh viện. Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Oxfam Việt Nam vừa tổ chức.
  Ảnh minh họa
Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh thuế là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển, giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng. Tuy nhiên ở Việt Nam nguồn thu ngân sách thù thuế đang giảm dần mà nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm từ thuế và dầu thô.
Theo ước tính của Oxfam, tổng ưu đãi thuế thu nhập (TNDN) của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách và bằng 5% tổng chi ngân sách. Con số này bằng khoảng 1,4 lần so với chi cho y tế. Ưu đãi thuế đang tập trung vào nhóm DN có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, DN có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong các khu công nghiệp.
Đơn cử năm 2016 mức thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của nhóm này là 10%. Có thể nói những ưu đãi thuế TNDN đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Theo nghiên cứu của Oxfam nếu cắt giảm các ưu đãi thuế TNDN sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 20%, trong khi không có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Số liệu của OECD cho thấy, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP. Điều này tương ứng với khoản thất thoát khoảng 50.000 tỷ mỗi năm số tiền đủ để xây mới 25 bệnh viện 1.000 giường.
Khi nguồn ngân sách thu thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục bị cắt giảm. Oxfam tin rằng Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Mặc dù vậy, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đặt câu hỏi, nếu 10 - 20 năm trước không có các ưu đãi này, liệu có doanh nghiệp nào đầu tư vào Việt Nam? Và nếu họ không đầu tư thì Việt Nam liệu có đạt được các chỉ tiêu kinh tế như hiện nay?
Bởi vậy, vấn đề ưu đãi thuế sẽ có 2 mặt. Trong đó một là gây giảm thu ngân sách, nhưng cũng là chi phí cơ hội bởi nếu không có ưu đãi sẽ không thu hút được nhà đầu tư và Việt Nam khó đạt các mục tiêu tăng trưởng cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp.