Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ cho phá sản các dự án nghìn tỷ thua lỗ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra 2 chi nhánh ngân hàng; sẽ cho phá sản các dự án nghìn tỷ thua lỗ; VCCI khuyến cáo về việc tăng thuế VAT... là nội dung chú ý tuần qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra 2 chi nhánh ngân hàng
 
Văn phòng Chính phủ ngày 4/10 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc thanh tra 2 chi nhánh của Maritime Bank và Eximbank.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật của hai chi nhánh ngân hàng: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) - Chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Nha Trang trong việc cho 4 doanh nghiệp vay vốn tín dụng.
Bốn đơn vị đã vay tín dụng tại 2 chi nhánh trên, gồm Công ty TNHH Quốc Hân, Công ty TNHH Long Thuỷ, Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Khải Hoàn và Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Thiên Kim.
Phó Thủ tướng yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký trên các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản nếu có dấu hiệu làm giả và các tài liệu có liên quan.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước kết luận nội dung tố cáo của bà Trương Thị Đào và phản ánh của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang tại văn bản số 808/THA ngày 19/4/2017; thông báo kết quả giải quyết tố cáo, phản ánh cho bà Trương Thị Đào và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2017.
Trước đó, bà Trương Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hân đã có đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Thị Thu Khánh, nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Nha Trang và một số cá nhân liên quan đến quan hệ tín dụng giữa Công ty TNHH Quốc Hân với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam - Chi Nhánh Nha Trang.
Sẽ cho phá sản các dự án nghìn tỷ thua lỗ
 
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương, có 4 dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem).
Đó là Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
Giải pháp cho 4 dự án này là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
Với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn phương án Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; hoặc tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; hoặc có thể dừng triển khai dự án, phá sản công ty.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên nếu thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.
Với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.
Với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai phương án: Phá sản DQS theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án: PVTex chuyển nhượng công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án Phá sản công ty theo quy định của pháp luật.
Còn với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án; đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31/12/2016.
VCCI khuyến cáo về việc tăng thuế VAT
 
Góp ý vào đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế của Bộ Tài chính mới đây, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhiều bất hợp lý của gánh nặng thuế phí đến đời sống kinh tế, doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội.
Theo VCCI, cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 6% và tăng thuế từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ tương ứng là sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
"Tờ trình của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung 5 luật Thuế mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế, do đó chưa đủ cơ sở khoa học để thực thi chính sách", VCCI nêu.
Về mặt xã hội, VCCI dẫn ý kiến của các chuyên gia kinh tế: "Thuế VAT là loại thuế lũy thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao. Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác".
Về mặt kinh tế, việc tăng thuế VAT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các DN Việt. Tăng thuế VAT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Qua tham luận và trao đổi của các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần cân nhắc một số hệ quả của chính sách.
Dẫn báo cáo đánh giá tác động của tăng thuế VAT từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đại diện VCCI cho rằng: Với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.
Nợ công Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới
 
Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh, do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9% và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%.
Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.
Theo báo cáo, đi cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi. Bởi lẽ nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên đến 55,4% năm 2015. Nợ trong nước giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển thị trường vốn trong nước nhưng cũng làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ.
Tuy nhiên, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn rất hạn chế như hiện nay.
Nhìn chung, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam vẫn chưa thể bằng kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực.