Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Thương hiệu 'Vietnam' được định giá 235 tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương hiệu 'Vietnam' được định giá 235 tỷ USD; 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương có tổng dư nợ giảm thêm 124 tỷ đồng; Bộ Công Thương đề xuất cắt thêm 202 điều kiện kinh doanh... là nội dung chú ý tuần qua.

Thương hiệu 'Vietnam' được định giá 235 tỷ USD
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
 
Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Mặc dù tăng 2 bậc, xếp thứ 43/100 thương hiệu quốc gia và vũng lãnh thổ nhưng mức tăng giá trị 16% không đủ giúp Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng như thành tích đạt được vào năm ngoái và vẫn đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo Thương hiệu Quốc gia đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia dựa trên nhiều yếu tố, từ bảo vệ nhà đầu tư tới thu hút du lịch. Trong khi đó, sức mạnh thương hiệu được tính trên thang điểm 100 và xếp hạng từ cao nhất AAA+ đến thấp nhất D.
Nhóm mười thương hiệu giá trị nhất thế giới không có nhiều sự xáo trộn khi những vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về Mỹ, Trung Quốc và Đức. Thương hiệu “United States” được định giá 25.899 tỷ USD, tăng hơn 4.800 tỷ USD so với mức định giá của năm 2017.
Những yếu tố tác động tích cực đến giá trị thương hiệu này được Brand Finance đề cập đến gồm thuế suất giảm, môi trường kinh doanh thân thiện, chuyển biến thương hiệu cá nhân Tổng thống Donald Trump...

Brand Finance là nhà tư vấn chiến lược và đánh giá hiện có văn phòng ở 20 quốc gia.
Hãng này tính toán giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng theo phương pháp giảm thuế. Phương pháp này bao gồm xây dựng chỉ số sức mạnh thương hiệu, dự toán doanh thu có khả năng xảy ra trong tương lai được quy cho một thương hiệu và xem xét mức thuế suất sẽ bị tính cho việc sử dụng thương hiệu đó.
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương có tổng dư nợ giảm thêm 124 tỷ đồng
Thông tin tại cuộc họp báo tuần qua về tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, đến nay, các dự án đều có chuyển biến tích cực.
 
Theo đó, đã có 2 nhà máy từng bước hoạt động hiệu quả (trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lãi 527,2). Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đều giảm, đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng cho biết, quan trọng hơn là các dự án này đã hoạt động ổn định, đi vào nề nếp. Ông cũng kỳ vọng, đến năm 2020 xử lý dứt điểm được các dự án thua lỗ theo đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, 12 dự án này, các vấn đề khó khăn vướng mắc rất nhiều (bởi vì có dự án kéo dài hơn chục năm), trong đó đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC.
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, 12 dự án yếu kém từng bước được cải thiện, bên cạnh đó, còn xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội... tạo tiền đề để xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng, yếu kém.
12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Thống kê của Bộ Công Thương trước đó cho thấy, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 Dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là: 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đề xuất cắt thêm 202 điều kiện kinh doanh
Trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ 1 nghị định nữa để tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hoá 202 điều kiện kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau.
 
Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Cho tới nay, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ là 675 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).
Ông Lê Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 - 2020.
“Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại, tương đương 36,1%. Các lĩnh vực tập trung như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...”, ông Lê Anh Sơn nói.
Như vậy, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.
Cụ thể, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ đề xuất cắt giảm 79 điều kiện, đơn giản hóa 34/132 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, chuyển hậu kiểm 8/65 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực kinh doanh rượu, đề xuất cắt giảm 6 điều kiện, chuyển hậu kiểm 7/30 điều kiện hiện hành.
Đối với lĩnh vực điện lực, đề xuất cắt giảm 7 điều kiện, đơn giản hóa 2 điều kiện, chuyển hậu kiểm 3/49 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực hóa chất, đề xuất cắt giảm 15 điều kiện, đơn giản hóa 24 điều kiện, chuyển hậu kiểm 12/77 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ô tô, đề xuất cắt giảm 2 điều kiện, chuyển hậu kiểm 1/13 điều kiện hiện hành.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, đề xuất cắt giảm 1/6 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực than đề xuất cắt giảm 1/8 điều kiện hiện hành.
Theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng trong báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được công bố mới đây, hiện có 4 bộ đã chính thức cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trên tổng số 5.905 điều kiện. Trong đó, Bộ Công thương xếp vị trí đầu tiên với 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%.
Chưa có hình thức xử lý cán bộ vi phạm vụ Con Cưng
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương sau hơn 1 năm gián đoạn vào ngày 17/10 vừa qua, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc xử lý kỷ luật 2 Phó cục trưởng quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng - liên quan tới vụ kiểm tra Công ty cổ phần Con Cưng.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hôm qua (16/10) cơ quan này đã có báo cáo tổng thể vụ việc gửi Thủ tướng. Ông Linh nói, từ thời điểm có kết luận rà soát quy trình kiểm tra đến nay, quá trình xem xét kỷ luật cán bộ vẫn "đang được thực hiện, chưa có kết quả cuối cùng". Ông Linh hứa khi có kết luận kỷ luật cuối cùng sẽ công bố công khai.
Trước đó, ngày 3/10, Bộ đã công bố kết luận rà soát quy trình kiểm tra của quản lý thị trường tại Con Cưng. Theo đó, xác định hai Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định về phát ngôn của cơ quan này.
Theo kết luận rà soát của đoàn thanh tra Bộ, ông Tín đã có những phát ngôn chưa chính xác về sai phạm của Con Cưng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả (Ban 389). Còn ông Hùng đã cung cấp những thông tin liên quan tới vụ việc trong quá trình kiểm tra tại doanh nghiệp không đúng thẩm quyền.
"Việc làm của hai lãnh đạo lực lượng quản lý thị trường gây những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", kết luận của Bộ Công Thương nêu.
Đoàn thanh tra đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, xử lý kỷ luật về đảng với ông Tín, ông Hùng. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường lý giải, các bước xem xét kỷ luật cán bộ phải tuân thủ đúng quy trình, đủ các bước: lập Hội đồng kỷ luật, nghe giải trình cá nhân liên quan, sau đó đánh giá, xem xét lấy phiếu và cuối cùng mới ban hành kết luận kỷ luật.
Kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật sản xuất, kinh doanh của Con Cưng được Bộ Công Thương công bố giữa tháng 8, doanh nghiệp này không vi phạm bán hàng giả mạo xuất xứ như nghi vấn trước đó, mà chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử...
Sau khi công bố kết luận kiểm tra chính thức nhưng không phát hiện Con Cưng bán hàng giả như nghi vấn, Bộ Công Thương đã lập tổ công tác rà soát lại quy trình kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc.
Hệ thống siêu thị Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan". Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi.
Thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu mở rộng thị phần. Chỉ riêng số cửa hàng mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số của 5 năm trước.
Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.