Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư; Thủ tướng khẳng định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển; Asanzo báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng; Giá xăng dầu giảm nhẹ... là nội dung chú ý tuần qua.

Vượt qua Singapore, Malaysia, Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Theo bảng xếp hạng của US News & World Report về các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ từ vị trí 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 năm nay, vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Singapore.

Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Danh sách năm nay có sự khác biệt lớn so với năm ngoái, khi có tới một nửa quốc gia có tên trong top 20 năm nay thậm chí còn không được xếp hạng vào năm ngoái.

U.S News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, lấy ý kiến của khoảng 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu để đưa ra thứ tự trong bảng xếp hạng.

Việc đánh giá các quốc gia dựa trên 8 tiêu chí, gồm tinh thần khởi nghiệp, sự ổn định kinh tế, chính sách thuế thuận lợi, sự sáng tạo, lao động có tay nghề, chuyên môn về công nghệ, sự năng động và vấn đề tham nhũng.

US News & World Report nhận định, những cải cách chính sách kinh tế từ năm 1986 đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập khi trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007; là thành viên tích cực của Liên hợp quốc... cùng các hiệp định thương mại lớn.

Thủ tướng: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển
Chiều 19/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu trước đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước tại phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019).

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng-Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức.
VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm lần thứ ba cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới, với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.
VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021 - 2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 dự kiến trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa XII) vào tháng 10 tới.
Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.
Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến khát vọng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam sau nhiều thập niên nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đề cập thẳng thắn đến những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nhận định, đánh giá của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với những tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế.
Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô kinh tế đứng thứ 6. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp.
Thủ tướng mong muốn trong quá trình khắc phục những hạn chế yếu kém này, Việt Nam rất mong muốn có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế.
Thông tin đến các diễn giả về việc Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển 2021 - 2030 trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường của thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu..., người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam cần có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực. Phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó là thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hà Nội tiếp tục công khai 701 đơn vị nợ thuế, phí

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai nợ thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tháng 9/2019 là 701 đơn vị, với số tiền nợ hơn 536,3 tỷ đồng. Trong số 701 đơn vị thì có 605 đơn vị bị công khai lần đầu với số nợ 426 tỷ đồng và 96 đơn vị bị công khai lại với 110 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chi tiết hơn, trong số đơn vị công khai nợ lần đầu có 581 doanh nghiệp nợ 183 triệu đồng tiền thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp. Dẫn đầu là hai công ty trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể là: Công ty CP tư vấn thiết kế và phát triển đô thị, MST 0102963747, địa chỉ trụ sở tại số 194 đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, nợ hơn 40 tỷ đồng; Công ty CP Thịnh Hưng, MST 5400329380, địa chỉ trụ sở tại số 2B, ngõ 104 phố Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, nợ hơn 11 tỷ đồng (tính đến ngày 31/7/2019).

Có 24 đơn vị nợ hơn 243 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất. Đứng đầu danh sách là Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hà, MST 0100102220, địa chỉ trụ sở tại Cụm Công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với số nợ hơn 72 tỷ đồng.

Ngoài 605 đơn vị nợ thuế được công khai lần đầu, có 96 đơn vị nợ hơn 110 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt và tiền chậm nộp được công khai lại. Đây là các đơn vị nợ thuế đã được cục thuế thực hiện công khai những năm trước, nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đứng đầu danh sách các đơn vị chây ỳ này là: Công ty CP tập đoàn địa ốc Viễn Đông, MST 0100519705, địa chỉ trụ sở tại tầng 6 Tòa nhà Viễn Đông, số 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, với số nợ hơn 13 tỷ đồng (tính đến ngày 31/7/2019). Tổng số đơn vị công khai nợ thuế tháng 9/2019 là 701 đơn vị, với tổng số nợ hơn 536,3 tỷ đồng.

Tổng hợp số liệu từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, Cục Thuế Hà Nội cho biết, cơ quan này đã thực hiện công khai lần đầu 828 đơn vị với số tiền nợ 1.720 tỷ đồng và công khai lại 411 đơn nợ 4.155 tỷ đồng. Kết quả, sau khi đăng công khai đã có 552 doanh nghiệp và dự án nộp 314 tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, với sự nỗ lực của cơ quan thuế và sự phục hồi của nền kinh tế, mong rằng các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Asanzo báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp báo sáng 17/9, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã tuyên bố mở cửa hoạt động trở lại các nhà máy sau đúng 17 ngày thông báo ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
 Tập đoàn Asanzo báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tam, tháng 10 tới, Asanzo sẽ đưa vào vận hành nhà máy thứ 5 tại Khu công nghệ cao tại quận 9, TP Hồ Chí Minh với công suất quy mô lớn hơn nhiều so với nhà máy hiện tại, vào khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu sản phẩm trên một năm.
Trước rất đông đảo phóng viên tham dự, phía đại diện Asanzo đưa ra 2 nội dung báo cáo để qua đó khẳng định mình bị “oan” trước cáo buộc giả xuất xứ hàng hóa.
Văn bản thứ nhất, đó là báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Tổng cục quản lý thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
“Theo báo cáo này, Tổng cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp”, đại diện Asanzo cho biết.
Văn bản thứ hai mà Asanzo cho rằng đã khẳng định mình không giả xuất xứ hàng hóa đó là báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
“Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các sản phẩm điện tử Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”, đại diện Asanzo nói.
Khẳng định mình không sai phạm về xuất nhập khẩu, Asanzo dẫn kết luận kiểm tra của Cục kiểm tra sau Thông quan.
“Trên có sở hồ sơ tài liệu, số liệu thông tin do công ty cung cấp, tài thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”, đại diện Asanzo dẫn kết luận từ phía cơ quan hải quan.
Khi được hỏi về con số thiệt hại sau nghi án “đột lốt hàng Việt”, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo cho biết, con số ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. “Sau 3 tháng khủng hoảng, 20 năm xây dựng về con số 0, con thiệt hại cả nghỉn tỷ đồng là ước tính. Thực tế còn nhiều hơn như thế. Sau đó còn mất rất nhiều chi phí xây dựng lại”, ông Tam cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí trước giờ họp báo chính thức của Asanzo, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Đàm Thanh Thế tỏ ra ngạc nhiên.
Ông Thế nói: “Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí”. Lãnh đạo Ban này cũng cho biết hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về kết luận vụ việc.
Trước đó, hồi tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc".
Đến ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra, kiểm tra việc “đội lốt hàng Việt”.
Giá xăng, dầu giảm nhẹ
Thông tin vừa được liên Bộ Tài chính - Công thương công bố. Bộ Công thương cho biết mặc dù xu hướng chung của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng nhẹ nhưng do chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở được điều chỉnh giảm nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm đối với một số loại.
 Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, nhằm bình ổn thị trường, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các loại dầu xuống 400 đồng/l/kg (kỳ trước 500 đồng/l/kg) để tăng mức giảm cho dầu diesel và giảm mức tăng đối với dầu hỏa và dầu mazut.
Theo đó, cơ quan điều hành trích thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/l và xăng RON95 ở mức 400 đồng/l, giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các loại dầu xuống mức 400 đồng/l/kg (kỳ trước là 500 đồng/l/kg).
Tuy nhiên không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92: giảm 109 đồng/l; Xăng RON95-III: giảm 92 đồng/l; Dầu diesel 0.05S: giảm 139 đồng/l; Dầu hỏa: tăng 35 đồng/l; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 262 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 19.114 đồng/l; Xăng RON95 III: không cao hơn 20.143 đồng/l; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.200 đồng/l; Dầu hỏa: không cao hơn 15.362 đồng/l; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.090 đồng/kg.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 16/9/2019 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng nhẹ.
Thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 52,9 tỷ USD trong quý 2
Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quý 2 cho thấy, thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục tăng 2,6% trong quý 2 so với quý 1, đạt 52,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ tăng 3,2% và đạt 48 tỷ USD (do phát hành trái phiếu kho bạc và tín phiếu Ngân hàng nhà nước). Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý sụt giảm 3,4% xuống còn 5 tỷ USD.
 Ảnh minh họa
Tại khu vực Đông Á mới nổi, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tiếp tục mở rộng bất chấp những rủi ro đến từ sung đột thương mại, suy thoái kinh tế tại Trung Quốc diễn ra nhanh hơn dự kiến và tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu chậm lại.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Á mới nổi vẫn ổn định song cũng có những rủi ro tiềm tàng nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về thị trường mới nổi. Do đó, các chính phủ trong khu vực cần nỗ lực tăng trưởng thị trường trái phiếu trong nước với vai trò là nguồn vốn nội địa đáng tin cậy.” (Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam-PV).
Theo báo cáo, tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15.300 tỷ USD vào cuối tháng Sáu, cao hơn 3,5% so với cuối tháng Ba và lớn hơn 14,2% so với cuối tháng 6/2018.
Riêng, khối lượng trái phiếu phát hành trong quý của khu vực đã đạt 1.600 tỷ USD, cao hơn 12,2% so với quý 1 nhờ việc phát hành mạnh trái phiếu Chính phủ và sự phục hồi trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tính đến cuối tháng 6, thị trường đã có 9.400 tỷ USD trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành, cao hơn 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 5.800 tỷ USD, cao hơn 15% so với tháng 6/2018.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất trên khu vực Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này.
Trong đó, lượng trái phiếu Chính phủ bằng đồng nội tệ đã tăng 5,4% so với quý trước, đây là mức tăng nhanh nhất so với các loại trái phiếu khác tại quốc gia này, sau khi có chỉ thị cho các chính quyền địa phương phải đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng các trái phiếu đặc biệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển khác. Tính tới cuối tháng Sáu, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 84,6%, so với mức 78,8% vào cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Báo cáo Giám sát cũng chỉ ra các tác động đến từ những bất ổn trong chính sách tiền tệ của Mỹ đối với đồng nội tệ của các thị trường mới nổi, tầm quan trọng của các thị trường vốn trong nước với vai trò nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp và những thách thức mà các thị trường tài chính đang phải đối mặt trong việc sử dụng các mức lãi suất tham chiếu khác khi họ dần từ bỏ lãi suất liên ngân hàng Luân Đôn (hay còn gọi là LIBOR) vốn được sử dụng rộng rãi.