Hà Nội không hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020
Sáng 12/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với UBND TP về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó, tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2020.
Hội nghị cũng tập trung đánh giá tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đề ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc |
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ: Hiện nay, TP và cả nước đang thực hiện 2 nhiệm vụ kép, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, phải có các giải pháp để ngăn chặn sự suy giảm, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu trong cả nhiệm kỳ.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương chiếm 1% diện tích, 8% dân số cả nước, nhưng đóng góp 17% GDP và 20% thu ngân sách cả nước. Chính vì thế, việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là tăng trưởng GDP và thu ngân sách không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với TP, mà còn góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xuất phát từ những yêu cầu đó, TP cần phải chủ động xây dựng kịch bản, trên cơ sở bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, đồng thời, có các giải pháp đặc thù của Hà Nội để duy trì tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước.
Chưa điều chỉnh tăng giá điện trong 6 tháng đầu năm
Mới đây, Bộ Công thương tiếp tục ban hành chỉ thị thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục các nội dung công việc thuộc bộ, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, phải có phương án ứng phó mọi tình huống.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, Bộ Công thương yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và 2/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá. Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, đặc biệt là địa phương có dịch.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, tập trung mặt hàng phòng chống dịch, nhu yếu phẩm.
Rà soát tất cả chương trình, kế hoạch để xem xét, tạm hoãn tất cả các chuyến công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi học tập, trao đổi, công tác nước ngoài trong thời điểm hiện tại, trừ các sự kiện đặc biệt hoặc hội nghị quan trọng phải báo cáo và được Thủ tướng đồng ý. Bộ cũng sẽ hạn chế, tạm hoãn các cuộc họp không cấp bách, tăng họp trực tuyến.
Hơn 93% doanh nghiệp được gia hạn thuế
Ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - khẳng định để tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 5 tháng nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 3, 4, 5 và 6/2020 cho DN, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch COVID-19 thuộc một số ngành nghề. Tiền thuê đất của các đối tượng này cũng được đề nghị gia hạn 5 tháng.
Ảnh minh họa |
Ông Thi cho biết danh mục ngành nghề được hỗ trợ được xác định theo quyết định 27/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế. Chiếu theo quyết định này thì ngành sản xuất chế biến thực phẩm gồm: chế biến bảo quản thịt, sản phẩm từ thịt... đều được gia hạn.
Giá vàng SJC "bốc hơi" 1,5 triệu đồng/lượng
Sáng 13/3, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 45,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,3 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này giảm mạnh mỗi chiều 1,3 triệu đồng/lượng và 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC giao dịch ở mức 45,6 triệu đồng/lượng - 46,5 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 1,3 triệu đồng/lượng và 1 triệu đồng/lượng.
Thời điểm 9h sáng nay, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 45,4 triệu đồng/lượng - 46,42 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Chỉ trong 15 phút đầu tiên, các chỉ số đã lao dốc rất mạnh |
Nhà đầu tư bán cổ phiếu bằng mọi giá, đã khiến các chỉ số chịu sức ép nặng nề dù vẫn có một bộ phận nhà đầu tư đổ tiền vào “bắt dao rơi”.
Ngay trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), nhiều cổ phiếu lớn đã bị bán sàn ồ ạt. Những mã chất lượng có ảnh hưởng đến thị trường như VCB, VHM, GAS, MSN, BID, VRE, TCB, CTG… đều lập tức lao xuống giá sàn chỉ trong ít phút đầu giao dịch.
Thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong 15 phút đầu tiên, VN-Index đã rơi thẳng đứng mất 43,41 điểm xuống 725,84 điểm trong khi HNX-Index lao dốc giảm gần 4 điểm xuống còn 97,96 điểm. UPCoM-Index giảm 1,15 điểm xuống còn 49,77 điểm và mất mốc 50 điểm. VNX-Allshare, chỉ số chung của thị trường đánh rơi hơn 57 điểm.
Đáng lo ngại là chuỗi giảm sốc của thị trường đã kéo dài suốt cả tuần nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trên thị trường hiện tại, đà giảm của các chỉ số vẫn đang có xu hướng bị nới rộng.
Giá xăng, dầu đồng loạt giảm sâu
Liên Bộ Công Thương - Tài chính bất ngờ quyết định giảm giá bán lẻ xăng, dầu ngay từ chiều 15/3 thay vì 16/3 theo kế hoạch.