Bởi những chiếc “hộp đen” này giúp cơ quan chức năng giám sát được toàn bộ hoạt động của các xe trên đường. Đây rõ ràng là một công cụ vô cùng lợi hại chẳng khác nào cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong việc kiểm soát hoạt động của các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, dễ dàng phát hiện và xử lý sai phạm, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông.
Một viễn cảnh đáng mơ ước lập tức được vẽ ra, đó là khi tất cả các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp “hộp đen”, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô ở nước ta sẽ gần như được “số hóa”, công việc của lực lượng chức năng, của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng giảm tải đi rất nhiều. Tuy nhiên, khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng không đơn giản như vậy. Khi Bộ GTVT đã hoàn thành việc lắp đặt “hộp đen” cho hơn 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải trên cả nước thì những bất cập mới bắt đầu phát sinh. Đó là tình trạng hàng trăm nghìn phương tiện ô tô, dù đã được lắp “hộp đen” nhưng lại bị ngắt và không truyền dữ liệu về đúng nơi quy định.
Minh chứng là thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 9/10/2018 cho thấy, trong tổng số 1.013.799 phương tiện được lắp thiết bị giám sát hành trình trên cả nước, chỉ có 662.074 phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ, chiếm 65,31%. Đáng báo động hơn, tình trạng xe ô tô “rời mạng” đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Điều này khiến cho không ít phương tiện vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình ở các lỗi nghiêm trọng như chạy quá tốc độ, sai lộ trình... bị “lọt lưới” mà lực lượng chức năng cũng đành bất lực. Thậm chí, ngay cả những phương tiện đã thực hiện nghiêm túc việc truyền dữ liệu từ “hộp đen” về Tổng cục Đường bộ Việt Nam song những dữ liệu ấy cũng chỉ dùng để “lưu kho” để hậu kiểm chứ không được mang ra sử dụng làm cơ sở để giám sát, xử phạt những trường hợp vi phạm.
Bất cập trên trở nên bức bối đến mức, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an – một trong những lực lượng chức năng chủ chốt trong đó có nhiệm vụ xử phạt các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đã phải lên tiếng đề nghị Bộ GTVT nâng cấp và chia sẻ kết nối dữ liệu giám sát hành trình đã lắp trên các xe kinh doanh vận tải. Đề nghị này không nằm ngoài mục đích sử dụng một cách có hiệu quả những dữ liệu thu được từ các “hộp đen” truyền về theo dõi, giám sát. Qua đó xử lý kịp thời các vụ phương tiện vi phạm luật giao thông.
Đáp lại đề xuất của Cục Cảnh sát Giao thông, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại cho rằng, cần phải sửa đổi Nghị định 86 và cả Nghị định 46 của Chính phủ mới đủ cơ sở để Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thể chia sẻ dữ liệu truyền về từ các “hộp đen” với các bộ, ngành có liên quan trong đó có CSGT. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong lúc chờ đợi hai nghị định kia được sửa đổi và ký ban hành, hàng trăm nghìn “hộp đen” đã được trang bị trên các phương tiện ô tô kinh doanh đều chỉ để... trang trí cho đẹp. Viễn cảnh đáng mơ ước năm nào giờ vẫn chưa hẹn ngày trở thành hiện thực và hàng triệu “hộp đen” đã được đầu tư với chi phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang bị lãng phí một cách vô lý.