Bán nước đang yên ổn chưa được bao lâu, bỗng dưng, một cuộc xô xát nhỏ xảy ra tại quán. Quán bị dẹp, anh Quang trở nên thất nghiệp. Mấy ngày sau, một quán khác lại mọc lên thế chân. Sau này tìm hiểu anh mới biết, đó là chiêu cạnh tranh "bẩn" của những kẻ muốn chiếm mặt hồ kinh doanh.
Bất chấp nguy hiểm để chiều khách
Mở quán café ven hồ đã vất vả, kinh doanh via hè cũng chẳng dễ dàng hơn. Với những người không có máu mặt, chỉ làm ăn cò con như anh Quang thì đều phải chấp nhận quy luật “cá lớn nuốt cá bé”. Những kẻ yếu thế, nếu không biết điều, "chơi đẹp" thì quán có thể bị dẹp ngay lập tức mà không cần lý do.
Kinh doanh ven hồ dễ kiếm tiền nhưng không ít phức tạp
|
Đối với anh Quang, mở quán kinh doanh trà chanh vỉa hè ven hồ ở Hà Đông chỉ là nghề tay trái, kiếm thêm chút thu nhập trong khi đang chờ xin việc. Anh xác định, số tiền thu được sẽ dành để trang trải việc học hành, ăn ở cho con cái. Đúng như mọi người vẫn kháo nhau, bán trà đá lãi lớn. Nhưng khi ngồi lân la vỉa hè, anh Quang mới thấy được rất nhiều vấn đề phức tạp và sự cạnh tranh khốc liệt từng tý không gian - vốn được xem là béo bở này.
Công việc này tuy cho thu nhập cực cao nhưng cũng là vô cùng vất vả và nguy hiểm, bởi dường như, sự phức tạp của xã hội đều tụ lại đây, nhất là vào những buổi tối về khuya, với đủ loại người, đủ loại đối tượng.
Mang danh là quán trà đá nhưng khách uống nước thì ít, kẻ đến nhậu thì nhiều. Mỗi tối, vợ chồng anh Quang thu về cả triệu đồng. Đó là một nguồn thu hấp dẫn khi mưu sinh ở Hà Nội. Ngoài việc phải uống rượu cùng khách... cho vui, anh Quang còn phải tiếp những vị khách thường la cà đến 1h00 sáng. Để tránh bị công an phường kiểm tra, nhắc nhở, chủ và khách thường cùng nhau ngồi ghế đá công viên để lai rai.
“Sợ nhất là nhiều khách uống rượu say, cãi vã dẫn đến đánh nhau, đập phá quán. Một số nhóm côn đồ vào uống nước tụ tập, hẹn nhóm khác đến giải quyết mâu thuẫn, mang mã tấu ra chém nhau, rồi cẩm cốc, chai lọ đập phá quán nước”, anh Quang tâm sự.
Bán hàng, chiều khách là việc đương nhiên, nhưng với kiểu chiều như của anh Quyết - Hà Tĩnh chẳng biết kiếm được bao nhiêu mà vô cùng tổn thọ.
Với bản tính xởi lởi, nhiệt tình, quán trà đá ở Hồ Đắc Di của anh Quyết lúc nào cũng tập nập khách, khiến các quán lân cận phải ganh tỵ. Tuy nhiên, để được như vậy, anh Quyết phải chiều khách theo kiểu khó ai làm được, đó là nói chuyện trên giời dưới biển, bàn chuyện tào lao về các vấn đề mà khách quan tâm. Đặc biệt, biết anh Quyết vui tính nên khách nhậu thường xuyên mời anh cạn chén. Hết tốp này đến tóp khác mời, nhiều khi anh Quyết say mềm ra nhưng vẫn phải uống.
Nếu chiều khách được coi như một công việc để có thêm thu nhập, thì quả là một công việc cực hình với anh Quyết. Chính vì vậy, mỗi tối dù có lời lãi hơn so với quán nước bên cạnh hàng triệu đồng, đôi khi anh cũng cảm thấy oải vô cùng. Nói cười, rượu chè,... tiếp khách, nhiều hôm anh mệt rũ rượi.
“Mình không phải là người biết uống rượu, nhưng khi khách mời nên nhận để họ vui. Nếu hết ngày này đến ngày khác cứ như vậy chắc không thể chịu nổi”, anh Quyết than thở.
Máu mặt mới sống được
Được một vị trí bán ổn định ở góc khuất ven hồ Thủ Lệ vào ban tối, chị Hiền (Cầu Giấy - Hà Nội) gặp không biết bao nhiêu vất vả khi đi xin phép. Chị chia sẻ, trước đây hai vợ chồng làm cùng công ty máy tính ở trên đường Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội, thu nhập hai vợ chồng chỉ 7 triệu đồng/tháng. Số tiền đó không đủ trang trải cuộc sống gia đình chứ chưa nói đến nuôi hai con ăn học ở Hà Nội.
Sau khi giãi bày hoàn cảnh khó khăn, chị ra phường để xin phép mở quán kinh doanh trà đá ở mặt hồ Thủ Lệ. Cuối cùng, vợ chồng chị cũng được chấp thuận, nhưng vị trí rất khuất, còn vị trí đẹp đã có người bán trước đó. Tưởng mọi chuyện đã được êm thấm, ai ngờ khi bán hàng, chị liên tục bị một số đối tượng “đầu gấu” ra gây sự hoặc uống nước, ăn quà không trả tiền. Sau khi tìm hiểu chị mới biết, đó là những thành phần “xin đểu”, muốn được yên ổn phải nộp cho chúng 20.000 đồng/ngày.
Bán được một thời gian, chị Hiền cũng chứng kiến nhiều vụ xô sát, thậm chí đổ máu chỉ vì tranh giành vị trí đẹp. “Thế mới biết được sự hấp dẫn của việc bán trà đá quanh hồ”, chị Hiền tâm sự.
Mở quán ở Hồ Đắc Di được một thời gian, anh Công (quê Ninh Bình) mới thực sự thấu hiểu được sự vất vả. So sánh thu nhập bán hàng ven hồ với lương công chức, anh chia sẻ: “mỗi tối vào khung giờ vàng (từ 20h00-22h00) cho thu nhập bằng mười ngày lương ở công sở”.
Tuy nhiên, anh không cảm thấy thoải mái vì vào giờ đó lẽ ra có thể ở nhà chăm sóc gia đình, dạy dỗ con học bài,... Hai năm nay, từ khi mở quán nước buổi tối ở Hồ Đắc Di, con anh học ngày càng sa sút. Đó là nỗi niềm trăn trở lớn của vợ chồng anh.