Học liên thông là…thuê người đi học Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với quy định của Bộ bởi nó như “cây gậy” chấn chỉnh hoạt động liên thông vốn bị thả lỏng dẫn đến chất lượng giáo dục không đảm bảo. Trong vai một người chị đi hỏi “kinh nghiệm” học liên thông từ CĐ lên ĐH cho em, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị được anh Lê Văn Xuân -người vừa lấy bằng tốt nghiệp liên thông ĐH của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) với trường CĐ Phát thanh Truyền hình I bật mí: "Chương trình học trong 2 năm, mỗi học kỳ học liên tục các ngày trong khoảng hơn một tháng. Vì đang đi làm trên Hà Nội nên em và bạn em không thể nghỉ làm để xuống trường ở dưới Hà Nam học. Giải pháp bọn em lựa chọn đó là nhờ các em khóa dưới đi học để điểm danh hộ, với giá 50.000-60.000 đồng/buổi (hiện nay lên giá 100.000 đồng/buổi). Để việc thuê người học trót lọt, chúng em đã “có lời” với bạn lớp trưởng để bạn ấy bỏ qua cho. Còn giảng viên ư? Họ nhìn mặt mình làm gì, lớp có đến hơn 100 người làm sao giảng viên nhớ hết. Lớp của em có rất nhiều bạn thuê người đi học giống em”. Khi được hỏi về kiến thức thu lượm được từ việc thuê người đi học, anh Xuân cho biết: "Ôi dào, người ta có học gì đâu. Họ chỉ vào lớp ngồi chơi, đợi thầy cô giáo điểm danh xong là “chuồn”. Gần đến ngày thi hết các môn, bọn em phải mượn vở của các bạn đi học đều để phô tô. Khi làm bài thi, mấy câu hỏi chuyên ngành bọn em đã được học từ CĐ nên bịa thêm ra, vì thầy giáo có đọc đâu. Còn thi thực hành thì cũng dễ. Thật may vì đa số các bạn đều đỗ tốt nghiệp, chỉ trừ những bạn quá đáng quá mới bị trượt." Để có cái nhìn khách quan, phóng viên cũng đã đi tìm hiểu và thậm chí vào lớp liên thông ĐH học thử. Kết quả cho thấy, có những trường thực hiện không đúng quy định tổ chức dạy học liên thông của Bộ GD & ĐT. Cụ thể, có trường tổ chức các lớp học liên thông ở các trung tâm bên ngoài nhà trường vào buổi tối, có trường lại tổ chức dạy học liên tục vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần, có trường không tổ chức làm thẻ cho người đi học, giảng viên nghỉ dạy không báo trước cho học viên biết, nhiều học viên thuê người đi học. Tại một lớp liên thông ĐH ngành Kế toán của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, sĩ số lớp học là hơn 90 người nhưng vắng đến 1/3. Vậy mà, suốt buổi học, giảng viên cứ giảng thao thao bất tuyệt và đọc từng từ cho học viên chép, mà không hề điểm danh từng người. Tất nhiên, giảng viên không biết có người lạ vào lớp học. Nguyễn Thu Hà-người đang học liên thông của lớp học này cho biết: "Tình trạng nhờ người đi học hộ chỉ xảy ra ở những người đã có gia đình rồi." Văn Khúc Thành - sinh viên đang học hệ ĐH chính quy của trường này thừa nhận từng đi học hộ cho một người quen và đã có lần thót tim vì suýt bị cô giáo phát hiện. Cũng may là hôm ấy Thành ngồi phía dưới cùng lớp học nên may mắn trót lọt lúc điểm danh. Liên thông chỉ là…”rửa bằng”? Được hỏi về chất lượng đào tạo ĐH, CĐ liên thông, nhiều người đã và đang học hệ này khẳng định không thể bằng được với học chính quy. Có người còn cho rằng, đây là cơ hội để họ “rửa bằng”. “Nói chung là học liên thông chỉ để lấy cái bằng tốt nghiệp ĐH để đi xin việc cho hợp pháp. Mình bỏ công sức ra để đi học, chứ chẳng tiếp thu được cái gì”-anh Xuân chia sẻ. Là người làm công tác tuyển dụng các vị trí công việc cho hệ thống siêu thị, anh Nguyễn Trọng Hưng, Phó phòng Nhân sự Hệ thống siêu thị điện máy Media Mart cho biết: "Tôi phỏng vấn rất nhiều trường hợp học liên thông ĐH, CĐ. Về cơ bản, thông qua kết quả hoạt động của các bạn ấy tôi thấy kiến thức học liên thông ĐH chỉ dừng ở học CĐ mà thôi. Nhiều bạn đến đây phỏng vấn đang đi học liên thông cho biết, khi trúng tuyển thì sẽ nhờ người đi học hộ." Anh Trọng Hưng đã hỏi nhiều bạn đang và chuẩn bị học liên thông mục đích của việc đi học. Chưa có bạn nào trả lời học liên thông để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Các bạn thường nói vì nhà tuyển dụng cần bằng ĐH nên đi học liên thông để kiếm cái bằng. “Không thể tin nổi, khi chúng tôi phỏng vấn 100 nhân sự nhưng chỉ được 5 em biết sử dụng máy tính. Có những em học liên thông ĐH ngành Kế toán nhưng không biết sử dụng exel”-anh Hưng bức xúc. Bên cạnh những trường đào tạo liên thông lộn xộn, thì vẫn có những trường thực hiện nghiêm các quy định của Bộ để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, vì thời gian qua Bộ quản lý đào tạo liên thông chưa chặt dẫn đến nhiều trường làm ào ào quá.
PGS Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn và TS lê Văn Thanh, Giám đốc Viện ĐH Mở Hà Nội ủng hộ quy định mới để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, hai hiệu trưởng đề nghị Bộ muốn nâng cao chất lượng thì phải giảm bớt chỉ tiêu đào tạo liên thông. Chọn môn thi nào để thực sự đánh giá được chất lượng của người học ở bậc dưới lên. Và phải quản lý tất cả mọi mặt thì chất lượng đào tạo liên thông mới nâng lên được. Còn việc Bộ yêu cầu người học liên thông phải thi như HS phổ thông thì đó là bài toán khó có thể thực hiện được.
* Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.