Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự thật về số tiền khổng lồ trong những vụ vỡ nợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với những lời “đồn thổi” về cuộc sống xa hoa của các “trùm nợ”, số tiền mà họ vay mượn cũng được thổi phồng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, vượt xa rất nhiều thực tế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Tào Ngọc Hải – Phó trưởng phòng An ninh kinh tế - CATP về vấn đề này.

- Thời gian qua trước những vụ vỡ nợ hàng loạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, dư luận không khỏi giật mình bởi những khoản vay nợ khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông bình luận sao về những sự việc này?

-  Những vụ nợ trong thời gian qua đã gây bất an trong dư luận và ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương. Tuy nhiên, số nợ theo dư luận đồn thổi là không có cơ sở. Bởi họ chỉ nghe người này, người khác nói chứ không có sự điều tra xác minh thực tế. Là đơn vị chức năng trong lĩnh vực này, chúng tôi đã vào cuộc ngay từ đầu và thống kê tổng hợp được con số thực của những vụ vỡ nợ trên. Vụ vỡ nợ đầu tiên ở Đan Phượng với 154 tỷ đồng. Vụ thứ hai ở Hà Đông là 66,5 tỷ đồng. Vụ thứ 3 xảy ra ở Phú Xuyên là 230 tỷ đồng. Vụ thứ 4 ở Nghĩa Đô Càu Giấy là 53 tỷ đồng. Như vậy tổng số tiền mà các chủ nợ vay là chưa đến 500 tỷ đồng, điều này khác rất xa so với sự đồn thổi của dư luận.

- Chỉ trong một gian ngắn xảy ra hàng loạt các vụ vỡ nợ trên địa bàn thành phố, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự việc này?
 
- Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu như sau: Thứ nhất về khách quan do thể nhân và pháp nhân đều có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng do các tiêu chí nhất định nên họ không tiếp cận được các ngân hàng, trong khi đó, do nền kinh tế có những bất ổn, ngân hàng buộc phải thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay tín dụng nóng. Và các thể nhân, pháp nhân càng khó khăn trong việc vay vốn, khiến họ phải vay bên ngoài với lãi suất cao. Nguyên nhân nữa là phần lớn các thể nhân, pháp nhân đầu tư vào các ngành nghề "hot" như chứng khoán, vàng, bất động sản với nhiều rủi ro trong điều kiện hiện nay, trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận cũng chỉ đạt 10 -15%, rồi phải chi trả lãi vay 20%, điều này dẫn đến mất khả năng chi trả và vỡ nợ là lẽ đương nhiên. Một nguyên nhân cơ bản nữa là do hám lời, nên người dân đã thu gom tài sản, thậm chí cầm cố vay mượn người thân mang cho vay để hưởng lãi cao.

- Qua các vụ vỡ nợ trên có thể gọi đó là tín dụng “đen”, dù không được pháp luật công nhận nhưng loại hình này lại hoạt động khá phổ biến,  gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như đấu tranh xử lý vi phạm?

- Có thể nói phương thức hoạt động của tín dụng đen là rất đơn giản trong việc giao dịch, không chỉ là giấy tờ, "sổ đỏ" thậm chí là tín chấp cũng xong một thương vụ. Việc huy động vốn trái phép được các đối tượng sử dụng bằng những bức bình phong vững chắc, đó là người làm ăn thành đạt có tiếng ở địa phương, cách sinh hoạt như những đại gia. Kế đó là những chiêu thức rất ấn tượng như lãi suất cao, trả trong thời gian ngắn. Khi những người thân quen cho vay, các đối tượng sử dụng chân rết này để vay vốn người khác một cách dễ dàng. Tuy nhiên điều đáng nói khi sự việc xảy ra để xử lý các trùm nợ thì không đơn giản chút nào. Bởi, việc thu thập tài liệu củng cố hồ sơ gặp nhiều khó khăn do giữa người vay và cho vay đều có giấy tờ vay nợ. Nếu để khởi tố vụ án thì bản thân người huy động vốn trái phép phải bị xử lý hành chính trước đó, bằng không chỉ dừng lại ở việc dân sự. Thực tế là chưa có chế tài xử lý hành vi trên.
 
- Từ những vụ việc trên, cơ quan công an có cảnh báo gì, thưa ông?

- Trước hết về phía cơ quan công an sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các thể nhân, pháp nhân nhạn thức được để chủ động phòng ngừa. Nếu cá nhân nào đã cho vay nợ phải thận trọng trong việc thu, đòi nợ tránh để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật mượn tay côn đồ để siết nợ. Với những trường hợp có tiền nhàn rỗi nên gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn tránh rủi ro không đáng có. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan địa phương rà soát nắm tình hình sớm phát hiện những đường dây tín dụng đen để có biện pháp ngăn chặn không để xảy những sự việc như trên.