Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi quy trình và nội dung hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các cấp tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống thiên tai; báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định sử dụng từ nguồn lực của địa phương bao gồm: Dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ dự trữ tài chính, các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, sản xuất; sử dụng dự toán kinh phí bảo trì đường bộ đã được giao để sửa chữa, khôi phục các công trình đường bộ bị hư hỏng do thiên tai.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đối với việc quản lý đầu tư xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai có tính cấp bách thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Ngân sách trung ương hỗ trợ nhằm sửa chữa, khôi phục cơ sở hạ tầng hiện có; trường hợp đặc biệt địa phương sửa chữa, khôi phục kết hợp nâng cấp cơ sở hạ tầng, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Căn cứ báo cáo về thiệt hại do thiên tai gây ra của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ về dân sinh đối với những hộ bị thiệt hại, bao gồm: hỗ trợ về lương thực; người bị thương nặng; chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết; làm nhà ở, sửa chữa nhà ở theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (hạ tầng cơ sở, khôi phục sản xuất) cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn); tổ hợp tác; hợp tác xã, sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định chi từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác (ngân sách trung ương không hỗ trợ) và báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Căn cứ vào kết quả thực hiện khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương.
Báo cáo của địa phương bao gồm: Báo cáo biên bản kiểm tra hiện trường; biên bản xác định thiệt hại và nhu cầu kinh phí khắc phục có xác nhận của các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị có liên quan; các Quyết định của UBND địa phương về chi khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó cụ thể nguồn vốn đã chi để thực hiện: Dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ dự trữ tài chính và các nguồn lực hợp pháp khác.
Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung một phần kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung cơ chế trung ương hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ về dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng như sau: 1- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 2- Các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương: Hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 3- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 4- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện; 5- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019.