Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Đất đai để tránh nguy cơ tham nhũng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp diễn ra vào ngày 17/9 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cuối năm nay.

Sửa Luật Đất đai để tránh nguy cơ tham nhũng - Ảnh 1

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có những quy định hướng tới lành mạnh hóa đầu tư phát triển, ngăn chặn tình trạng dự án “treo”. Ảnh: Đức San

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi luật vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ TN&MT đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu thực tế hay chưa?

- Có thể nói, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra được nhiều điểm đổi mới nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Một trong những bất cập lớn liên quan đến cơ chế Nhà nước thu hồi đất là cơ chế thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Dự thảo luật vẫn được áp dụng như Luật Đất đai hiện hành. Tuy có sự khuyến khích áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, nhưng cơ chế này cũng gây tranh cãi. Một số nơi thu hồi đất lại để hoang hóa do quy hoạch thiếu khả thi, khiến người dân bất bình. Tôi cho rằng, phải sửa lại cơ chế Nhà nước thu hồi đất.

Theo ông, nên sửa như thế nào?

- Theo tôi, phải thu hẹp phạm vi áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, không được áp dụng rộng rãi cơ chế này như hiện nay. Vì bảng giá đất của Nhà nước rất thấp, nên phải thu hẹp phạm vi áp dụng. Tôi cho rằng, có 4 trường hợp không nên cho phép áp dụng bảng giá của Nhà nước mà phải định giá lại phù hợp theo giá thị trường. Đó là các trường hợp: Nhà nước giao đất, Nhà nước cho thuê đất, Nhà nước thu hồi đất và Cổ phần hóa doanh nghiệp. Khi áp dụng cơ chế này, phải dựa trên nguyên tắc người dân và nhà đầu tư đều được hưởng lợi từ dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế Nhà nước thu hồi đất phải được đổi mới triệt để nhằm tránh gây thiệt hại, bức xúc cho những người bị thu hồi đất, loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng và làm lành mạnh hóa quá trình đầu tư phát triển, không còn các dự án treo.

Phải chăng giá đất là mấu chốt, thưa ông?

- Giá đất đóng vai trò quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Giá đất luôn gắn với nguy cơ tham nhũng, là nguồn cơn gây khiếu kiện trong dân. Mặc dù Luật Đất đai đã quy định giá đất của Nhà nước phải phù hợp giá thị trường trong điều kiện bình thường nhưng cả khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh đều thấp hơn giá đất trên thị trường khá nhiều. Chúng ta phải sửa triệt để mới ngăn chặn được tham nhũng trong đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra cơ chế Nhà nước có quyền "tiên mãi", tức là với một hợp đồng được hai bên ký kết, Nhà nước có quyền mua đất trước theo đúng giá trị hợp đồng. Đây là điều kiện quan trọng để làm thị trường minh bạch, trong đó, giao dịch thật, giá trị thật được thể hiện cụ thể, giá thị trường được xuất hiện trên các hợp đồng. Đối với mức thuế bị thu cao, chúng ta có thể xin Quốc hội chỉnh lý lại. Không thể vì chuyện thuế cao mà chúng ta nộp dưới dạng giá trị thấp. Điều này sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn.

Theo ông, còn nội dung gì cần phải sửa ở Luật Đất đai, mà Dự thảo luật mới chưa làm được?

- Có một vấn đề quan trọng mà Dự thảo luật chưa làm được trong trường hợp phải định giá đất phù hợp với giá thị trường. Theo tôi, chúng ta không nên giao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh mà phải có một hệ thống định giá độc lập. Nếu một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền quyết định về đất đai, lại có quyền quyết định về giá đất, sẽ xảy ra nguy cơ tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

So với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo luật mới giữ nguyên 21 điều, sửa đổi bổ sung 101 điều và có 68 điều mới hoàn toàn. Về quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng cho các hộ gia đình, cá nhân, dự thảo luật quy định lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.