Sửa Luật Thủ đô: Tạo thêm cơ chế đặc thù về lương cán bộ, công chức

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những cơ chế đặc thù quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là Điều 18 quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản

Cụ thể, Điều 18 nêu rõ, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do Thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cơ chế đặc thù, để chi thu nhập tăng thêm, giúp công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cơ chế đặc thù, để chi thu nhập tăng thêm, giúp công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến

Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của Thành phố Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định chế độ công vụ, công chức của cơ quan, đơn vị ở Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở Thành phố Hà Nội được thực hiện như sau: Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; Công chức được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo tiêu chuẩn chung từ cấp xã đến cấp thành phố; Cán bộ làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm của chức danh công chức thì được tiếp nhận vào công chức.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc Thành phố Hà Nội được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm.

Một góc Hà Nội
Một góc Hà Nội

Lương cao giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác, cống hiến

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Qua đó, bảo đảm đời sống, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Quy định này đã có sự tham khảo các quy định tương tự tại Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, vẫn có ý kiến băn khoăn về việc quy định nội dung này thành một chính sách để áp dụng ổn định, lâu dài. Bởi Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương "về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" mới chỉ đặt vấn đề thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, chứ chưa được tổng kết, đánh giá để áp dụng ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, theo kết luận của Hội nghị 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn. Ảnh: Ý Như
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn. Ảnh: Ý Như

Góp ý về quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, Thủ đô là đô thị đặc biệt nên cần cho thêm tiêu chuẩn người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương. Đồng thời, phải trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.

“Khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt. Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp. Do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Đoàn Thành phố Hà Nội cho rằng, đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, làm sao tiết kiệm nhưng lại tạo ra được hiệu lực tốt hơn. Vì vậy về mặt chính sách tiền lương, đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.

Khi biết thông tin Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về cơ chế trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội cao hơn mức trung bình của cả nước, có nhiều ý kiến đồng tình. Ngân sách của Thủ đô không thiếu, vì mỗi năm thu ngân sách trên 350.000 tỷ đồng, cái thiếu hiện là cơ chế, chính sách để Hà Nội thực hiện.