Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô: ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống 

Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong đó, Kết luận chỉ ra việc cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô

Liên quan vấn đề này, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ.

Cùng đó, Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn TP, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.

Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai. Đồng thời, bảo đảm định hướng được nêu trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về “Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch”.

Dự thảo Luật đã giao UBND TP Hà Nội báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ trước khi quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Theo đó, các nội dung nêu trên sẽ được xem xét, đánh giá và xác định cụ thể trong các quy hoạch để có giải pháp thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Tạo thể chế vượt trội cho Hà Nội thực hiện quy hoạch

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ, giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội đang cho phép các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác được thí điểm thực hiện thẩm quyền về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu chức năng theo các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nội dung có thể được điều chỉnh cục bộ đã được giới hạn cụ thể trong Luật Quy hoạch đô thị.

Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho UBND TP được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Việc giao HĐND TP quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Kết luận số 80-KL/TƯ đưa ra định hướng: “Có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô”.

Liên quan biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung nhằm giải quyết triệt để những bất cập trong việc di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi khu vực nội đô như: bố trí kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ di dời, xây dựng mới, bố trí đất cho đối tượng thuộc diện phải di dời; xác định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, HĐND TP trong việc quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ, chính quyền thành phố khi xây dựng Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của thành phố phải xác định rõ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải di dời, bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch của thành phố với các quy hoạch cấp quốc gia.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho ý kiến trực tiếp đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, bảo đảm các quy hoạch này có tính tổng thể, tầm nhìn chiến lược với lộ trình thực hiện rõ ràng. Quy hoạch Thủ đô thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), để hoàn thiện hơn về thể chế cho sự phát triển của Thủ đô, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra trong các đồ án quy hoạch.