Nhịp điệu mới trên đồng ruộng
Những ngày đầu tháng Chạp, không khí làm việc trên các cánh đồng của xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ náo nhiệt như ngày hội. Hàng trăm người dân hân hoan đổ ra đồng tham gia đào đắp kênh mương. Sự phấn khởi, rạng rỡ hiện lên từng gương mặt. Vừa xúc đất để đắp bờ vùng, anh Nguyễn Văn Tuân, thôn Trung Tiến, xã Trần Phú hồ hởi cho biết: "Có ruộng gọn vùng, gọn thửa là mong muốn từ rất lâu của chúng tôi, nên khi xã có chủ trương DĐĐT, bà con nhân dân rất tích cực tham gia ủng hộ ngày công lao động".
Với đặc thù vùng đồi gò bán sơn địa, trước đây, ruộng đất trên địa bàn xã Trần Phú khá manh mún, bình quân mỗi hộ có 9 - 10 thửa ruộng, có những hộ có tới 16 - 17 thửa ruộng. Thêm vào đó, hệ thống thủy lợi chắp vá, không đồng bộ nên việc canh tác của nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Trịnh Xuân Lệ, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Trần Phú cho biết, thực hiện DĐĐT, đến nay, tất cả 9 thôn của xã đã và đang tiến hành giao ruộng trên thực địa cho các hộ dân với diện tích đạt gần 200ha. Bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng. Xã phấn đấu đến trước Tết âm lịch sẽ cơ bản hoàn thành giao ruộng cho dân, trên cơ sở đó, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa như lúa cao sản, rau an toàn, cây ăn quả...
Dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại xã Hồng. Phong, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Rời xã Trần Phú, chúng tôi tìm về huyện Sóc Sơn, địa phương được coi là một trong những "địa chỉ đỏ" về công tác DĐĐT của Hà Nội. Tại đây, chúng tôi thực sự ấn tượng trước những đổi thay rõ rệt từ cuộc "cách mạng ruộng đất" mang lại. Những cánh đồng được quy hoạch lại với những thửa ruộng hàng ngàn mét vuông, đường giao thông nội đồng mới được đắp thẳng tắp, rộng rãi đủ để xe ô tô có thể đi lại... Đi thăm thửa ruộng mới được cày ải chuẩn bị cho vụ xuân 2013, chị Đỗ Thị Mai, thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn không giấu được vui mừng: "Trước đây ruộng nhỏ, nhà tôi phải cày bằng trâu, gần chục ngày mới xong 7 sào ruộng. Nay thuê máy cày chỉ vài tiếng đồng hồ là xong, giá thuê chỉ 120.000 - 150.000 đồng/sào".
Lợi ích đến từng người dân
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sau khi UBND TP ban hành Kế hoạch 68 về DĐĐT, nhiều địa phương đã nảy ra các sáng kiến trong quá trình thực hiện. Tại các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín…, lãnh đạo địa phương đã vận dụng Quyết định 16 để hỗ trợ các xã, thôn đào đắp kênh mương nội đồng, sau đó mới vận động nhân dân đến gắp thăm. Do vậy, khi các bờ vùng, bờ thửa đã được đầu tư xây mới, người dân tận mắt nhận thấy ruộng đất được mở rộng; việc vận chuyển, đi lại được thuận tiện, họ đã tự nguyện tham gia DĐĐT. "Hiện không còn huyện nào chưa vào cuộc. Một số huyện khó khăn như Gia Lâm, Đông Anh, thị xã Sơn Tây cũng đã triển khai" - ông Cương cho biết. Hiện phong trào DĐĐT đang tiếp tục lan rộng, đặc biệt là những ngày cuối năm, khi đồng ruộng đang nghỉ ngơi để chuẩn bị vào vụ Đông Xuân mới.
Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND TP phê duyệt, nông nghiệp Thủ đô sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 231 triệu đồng/ha. Để đạt được mục tiêu này, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong thực hiện DĐĐT.
Tuy còn một số khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm cùng những biện pháp tích cực, công tác DĐĐT trên địa bàn TP sẽ tiếp tục lan tỏa. Tại các buổi kiểm tra sản xuất, xây dựng nông thôn mới và giao ban thực hiện Chương trình 02, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đều nhấn mạnh, DĐĐT là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của chính quyền các địa phương. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cán bộ địa phương phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cùng bàn bạc dân chủ, công khai với nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, phấn đấu năm 2013 toàn TP sẽ hoàn thành việc này.
Tính đến thời điểm này, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được 30.002,82ha/19.444,9ha, đạt 153,3% kế hoạch (KH), trong đó một số huyện triển khai thực hiện tốt là: Thanh Oai 1.402/5.000ha, đạt 280,54% KH; Mỹ Đức 4.021/1.467ha, đạt 274% KH; Phú Xuyên 5.000/2.000ha, đạt 250% KH; Thường Tín 1.823/1.000ha, đạt 182,3%; Sóc Sơn 5.322/3.000ha, đạt 177,4% KH; Chương Mỹ 6.130/4.000ha, đạt 153,25% KH; Mê Linh 2.186/1.500ha, đạt 145,7% KH... |