Cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, từ khi sáp nhập vào Thủ đô năm 2008, được sự quan tâm, đầu tư của TP, vùng đất này như được khoác lên mình một “tấm áo mới”.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên thôn mới đổ bê tông khang trang sạch đẹp, Trưởng thôn Nguyễn Viết Đăng cho biết, cả thôn Đồng Ké hiện có khoảng 140 hộ dân, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm gần 85%. Đất đai cằn cỗi, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng kém... là những nguyên nhân khiến sản xuất và đời sống của đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên tới 30%. Người dân loay hoay không biết nên làm nghề gì, trồng cây gì, nuôi con gì để mưu sinh (!). Không ít lao động đã bỏ đi nơi khác kiếm sống. Cùng với đó, thôn Đồng Ké nằm cách trường học gần mười cây số, việc đi lại khó khăn (do đa phần vẫn là đường đất) khiến nhiều trẻ nhỏ phải bỏ học giữa chừng. Công tác chăm sóc y tế chưa được đảm bảo. Người dân muốn khám chữa bệnh phải lặn lội lên trung tâm y tế xã Trần Phú cách xa thôn hàng chục cây số…
Tưởng chừng như cái nghèo, cái đói sẽ còn đeo đẳng mãi người dân thôn Đồng Ké thì những năm gần đây, nhất là sau khi sáp nhập vào Thủ đô, được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, Đồng Ké đã được thụ hưởng nhiều chính sách phát triển, trong đó có Kế hoạch số 166 của UBND TP Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô”. Đồng Ké như “thay da đổi thịt” từng ngày. Đến nay, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Điển hình là trường mầm non thôn Đồng Ké với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ đồng, hay nhà văn hóa thôn trị giá gần 1,3 tỷ đồng được hoàn thành trong các năm 2013 - 2014. Nhằm phục vụ và đáp ứng các nhu cầu văn hóa - tín ngưỡng cho đồng bào dân tộc Mường, TP đã trao tặng bộ cồng chiêng (12 chiếc) cho thôn,…
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú Đinh Văn Nhức cho biết, vui mừng nhất là đời sống của người dân trong thôn liên tục được cải thiện. Thu nhập bình quân của người dân ngày một được nâng cao, hiện đạt xấp xỉ 15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, hiện còn 7,9%. Nhiều hộ gia đình nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển chung của huyện. Dù vậy, đồng bào nơi đây vẫn còn đó không ít trăn trở, nổi cộm nhất là vấn đề tiếp cận nước sạch và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là bài toán khó với địa phương do diện tích đất nông nghiệp tính theo đầu người chỉ khoảng 360m2, lại phân bố manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển vùng sản xuất chuyên canh,… Đây là những bất cập mà địa phương mong muốn lãnh đạo huyện, TP quan tâm, hỗ trợ đầu tư, để diện mạo thôn Đồng Ké tiếp tục khởi sắc, góp phần đưa xã Trần Phú “về đích” trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới.
Cổng làng Đồng Ké.
|