Bệnh nhân Vũ Văn B. (60 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) hiện đang được điều trị tại khoa Cấp cứu của BV trong tình trạng toàn thân nổi ban tím, đỏ, nhiều chỗ da bị phồng, nứt nẻ. Các đầu ngón tay, chân có hoại tử, gáy cứng.
Trước đó 10 ngày, bệnh nhân mổ thịt lợn, ăn tiết canh, 6 ngày sau sốt cao 39 - 40oC, không đại tiện, tiểu tiện được và được nhập viện BV Bạch Mai ngày 2/3 với chẩn đoán nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu lợn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, với tình trạng suy thận, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, dự kiến phải mất 3 tuần, chi phí khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Theo thống kê của BV, từ đầu năm đến nay, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận 9 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó, tháng 1 có 5 ca, tháng 2 có 4 ca, chủ yếu do ăn tiết canh. Có bệnh nhân chuyển từ Lai Châu xuống đúng dịp Tết, chỉ vì ăn tiết canh chiều 30 Tết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh liên cầu lợn có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng thời gian điều trị kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và thường phải lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn viêm màng não mủ có thể phải nằm viện ít nhất một tháng và khi bị nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn thì phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí lớn. Năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, năm 2017 có khoảng 20 ca vào viện với chẩn đoán liên cầu lợn. PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh liên cầu khuẩn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm Âm lịch.
Điều tra của Cục Y tế dự phòng cho thấy, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. “Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng” - ông Phu nhấn mạnh. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để tránh mắc liên cầu khuẩn, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm dịch, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường. Không ăn thịt lợn chết, các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở, phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.