Trường hợp bé Trần B.M. (Nam Định), sau khi chào đời được 3 ngày bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng nôn dịch xanh, dịch vàng và đi ngoài phân máu. Đặc biệt, trẻ bú tới đâu là nôn trớ tới đó. Tại BV tuyến dưới, bé được chẩn đoán viêm ruột và điều trị nội khoa, tuy nhiên, tình hình không cải thiện và ngày càng trầm trọng. Khi chuyển lên BV Nhi T.Ư, bệnh nhi trong tình trạng kích thích, mất nước nên vật vã, quấy khóc.
Bên cạnh đó, trẻ chướng bụng, đặt xông dạ dày ra dịch xanh, thăm hậu môn thấy phân đen lẫn máu cũ. Sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cháu B.M. không phải bị viêm ruột thông thường mà mắc phải căn bệnh ruột quay bất toàn, nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh nhi phải trải qua 3 lần phẫu thuật mới giữ được tính mạng. Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn – Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi T.Ư - người điều trị ca bệnh cho biết, trường hợp của cháu B.M, nếu nhập viện muộn hơn một vài ngày, sẽ bị hoại tử ruột trầm trọng, khi đó sẽ khó lòng cứu chữa.
Tương tự, bé Nguyễn M.T. (sinh năm 2006, TP Hải Phòng) nôn trớ từ nhỏ nên còi cọc, gầy yếu hơn bạn bè cùng trang lứa. Cháu thi thoảng xuất hiện cơn đau bụng nhưng chỉ thoảng qua. Thấy con gái có biểu hiện lạ, gia đình cháu T. đã đưa con đi khám chữa nhiều nơi, nhưng chưa được chẩn đoán đúng bệnh. Khi đến BV Nhi T.Ư, bé T. được chẩn đoán mắc phải bệnh ruột xoay bất toàn và ngay lập tức được phẫu thuật nội soi tháo gỡ phần ruột xoắn. Do vòng xoắn thắt không chặt nên may mắn, bệnh nhi không bị hoại tử ruột.
Theo bác sĩ Hoàn, ruột xoay bất toàn là kết quả của sự xoay và cố định không hoàn toàn của ruột, xảy ra trong thời kỳ phát triển của bào thai. Đây là một dị tật tương đối ít gặp của đường tiêu hóa. Khi trẻ mắc bệnh, có thể có những biểu hiện rầm rộ, cấp tính như nôn dịch xanh, dịch vàng, bụng chướng, đi ngoài phân máu, nhưng cũng có khi lại chỉ đau bụng thoảng qua, chán ăn, thường xuyên nôn trớ…
Ruột quay bất toàn cũng dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, nôn chu kỳ, điều đó dẫn tới nhiều nguy cơ, điển hình nhất là trẻ có thể bị hoại tử ruột nghiêm trọng dẫn tới tử vong.
TS Phạm Duy Hiền – Trưởng khoa Ngoại, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa cho biết, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường tiêu hóa, khiến trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, bệnh nhi mắc ruột quay bất toàn có thể tử vong do ruột xoắn tắc dẫn đến hoại tử nặng nề. Việc phát hiện sớm căn bệnh này có ý nghĩa trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tại BV Nhi T.Ư, từ tháng 4/2017 tới nay đã tiếp nhận 33 bệnh nhân mắc ruột quay bất toàn. Hầu hết các bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi. Một số bệnh nhân còn lại, do phát hiện quá muộn, ruột hoại tử quá nhiều nên buộc phải mổ mở để tháo xoắn, cắt ghép cứu những phần ruột sống còn lại.