Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Syria - sức ép gia tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 4/12, sau khi thảo luận, các Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định sẽ triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo NATO, động thái trên sẽ tăng cường khả năng phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ và giúp bảo vệ người dân, lãnh thổ nước này trước mối đe dọa từ cuộc xung đột kéo dài 21 tháng ở Syria.

Dù đây không phải là lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO triển khai hệ thống tên lửa trên lãnh thổ của mình nhưng nó cho thấy Ankara đã sẵn sàng đóng vai trò trung tâm trong vấn đề liên quan đến Syria. Trước đó, trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq những năm 1990 và 2000, Ankara từng có đề xuất tương tự và đều được NATO đáp ứng khi điều hệ thống Patriot từ Hà Lan tới Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21/11 chính thức yêu cầu NATO triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới dài 900km với Syria nhằm tăng cường hệ thống phòng không của nước này không khiến nhiều người ngạc nhiên. Điều bất ngờ duy nhất là đề nghị này đã bị NATO phớt lờ. Phải đến đầu tháng 12 khi xuất hiện thông tin Syria đang vận chuyển vũ khí hóa học để chiến đấu chống lại lực lượng đối lập, tổ chức này mới cảm thấy lo ngại và bắt đầu có những động thái quyết liệt hơn. Dù Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen khẳng định hệ thống tên lửa Patriot chỉ mang tính tự vệ cho một quốc gia thành viên của tổ chức chứ không nhằm thiết lập vùng cấm bay, nhưng sự xuất hiện của các khí tài tối tân bậc nhất thế giới dọc khu vực biên giới sẽ là sức ép lớn đối với Damascus.

Syria - sức ép gia tăng - Ảnh 1

Tên lửa Patriot sẽ sớm được triển khai ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Giữa lúc sức ép quân sự trên khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, ngày 5/12, Syria phải nhận thêm một tin xấu nữa là Liên Hợp quốc (LHQ) đã quyết định giảm viện trợ lương thực cho hàng trăm ngàn người dân nước này do thiếu tài trợ. Theo ước tính của Chương trình lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, để duy trì các hoạt động cứu trợ lương thực tại Syria trong tháng 12, tổ chức này cần phải nhận được khoảng 20 triệu USD. Đây là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống al-Assad khi số người cần nhận viện trợ đã tăng từ 850.000 người lên 1,5 triệu người trong tháng 9. Trong bối cảnh, cuộc khủng hoảng tại Syria đã bước sang tháng thứ 21, WFP dự kiến sẽ cần khoảng 15.000 tấn lương thực mỗi tháng để chu cấp cho 1,5 triệu người dân nước này trong tháng 1/2013. Nếu không nhận được viện trợ, sự phẫn nộ của người dân chắc chắn sẽ tăng cao, tạo ra nguy cơ gây bất ổn xã hội. Nguyên nhân khởi phát của phong trào Mùa xuân Ả Rập bắt nguồn từ sự phẫn nộ trước cảnh nghèo đói của người dân Tunisia cách đây gần 2 năm là bài học sâu sắc mà Damascus phải tính đến.

Những diễn biến trên cho thấy, tình hình Syria trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi chính quyền của Tổng thống al-Assad đang bị dồn ép trên mọi mặt, từ kinh tế, quân sự đến viện trợ nhân đạo. Theo đó, chương cuối trong kịch bản Syria chắc chắn sẽ chỉ được viết dựa vào thời gian và mức độ mà Damascus "ngấm" những "đòn" mà phương Tây đã tung ra.