KTĐT - Toàn cầu hóa đã và đang tác động sâu sắc đến các chính sách kinh tế của từng quốc gia bởi lo ngại những biện pháp kinh tế của nước ngoài sẽ tác động đến thị trường tài chính trong nước.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa quyết định tổ chức sớm Hội nghị thường kỳ về chính sách tiền tệ để bám sát các bước đi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố hôm 3/11.
Theo nhận định của giớiphân tích thị trường, gói nới lỏng định lượng lần hai (QE2) của FED sẽ khiến nhà đầu cơ chuyển hướng vốn an toàn sang đồng Yên nên BOJ cần phải có phản ứng nhanh chóng để điều tiết nền kinh tế. Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và đời sống Nhật Bản (Dai-Ichi Life Research Institute) nhận định BOJ và FED đã sẵn sàng cho cuộc chiến tiền tệ mới, kéo theo cuộc đua hạ giá đồng nội tệ của hàng loạt các quốc gia, khiến kinh tế toàn cầu khó lấy lại đà phục hồi.
Việc kinh tế Trung Quốc - "công xưởng của thế giới" vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao cũng có tác động lớn trên toàn cầu nhất là với các nước muốn đầu tư vào thị trường tiềm năng của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/11 đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2010 của Trung Quốc từ 9,5% lên mức 10%. Cùng ngày, Goldman Sachs nâng dự báo GDP của Trung Quốc lên 10,1% trong năm 2010 và 10% vào năm 2011.
Rõ ràng không một quốc gia nào có thể quay lưng lại với mở cửa và toàn cầu hóa. Vì vậy, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn hôm 2/11 đã cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, thế giới đang cần một mô hình toàn cầu hóa mới cho một thế giới mới. Mô hình toàn cầu hóa mới cần đảm bảo rằng lợi ích của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ rộng rãi, tăng trưởng và bình đẳng cần song hành với nhau. Việc thế giới cần tái cân bằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua nhằm hướng tới sự ổn định và công bằng là cần thiết và các nước có thặng dư thương mại cần chuyển mục đích từ tăng cường xuất khẩu sang khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Giám đốc điều hành IMF cho rằng đầu tư lớn hơn và mạnh hơn vào hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho sự tái cân bằng này. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách quốc gia và quốc tế cần chú trọng đầu tư vào công nghệ xanh, phát triển nền kinh tế xanh để giúp tạo nhiều việc làm, giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay ở cả các nước phát triển và đang phát triển.