Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tách bạch chương trình dạy học với sách giáo khoa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Tách bạch chương trình dạy học với sách giáo khoa - Ảnh 1Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Vinh Quốc - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khẳng định, kể từ năm 1975 nền giáo dục Việt Nam đã trải qua 3 lần cải cách, tuy nhiên tất cả những lần đó chưa thành công, nên giờ đây lại phải đổi mới một lần nữa. Muốn cho cuộc đổi mới lần này thành công, chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 phải được xây dựng theo một đường lối nhất quán dựa trên cơ sở lý luận của khoa học giáo dục hiện đại.

Vậy theo ông, vấn đề gì được xem là quan trọng nhất trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?

- Theo tôi, mọi chương trình giáo dục phải được bắt đầu từ triết lý chung cho nền giáo dục. Triết lý giáo dục phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay là “Dân giàu, nước mạnh – xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” do Đảng đề ra. Quan điểm cần đặt ra cho nền giáo dục là “dạy và học những cái gì mà xã hội cần, không phải những gì mà người thầy có”.

Chương trình cải cách giáo dục mới phải được xây dựng và phát triển theo các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại, tiếp cận được với chuẩn mực quốc tế. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông phải giảm bớt việc nhồi nhét kiến thức hàn lâm xa rời cuộc sống, tăng tính ứng dụng và thực hành, chú trọng định hướng nghề nghiệp và dạy nghề. Ở các nước phát triển, giáo dục phổ thông không chỉ giảng dạy văn hóa và khoa học cơ bản, mà còn có chức năng dạy nghề và định hướng nghề nghiệp bằng các môn kỹ thuật ứng dụng và công nghệ thực hành cho học sinh. Vì vậy, hầu hết kiến thức được dạy ở trường THPT đều gắn với giá trị ứng dụng vào đời sống như chương trình phân ban theo nghề nghiệp ở Pháp, hoặc tự chọn ở Mỹ, và như ở Đức chương trình được phân ban ngay từ bậc THCS.

Bên cạnh triết lý giáo dục, theo ông mấu chốt thành công trong việc dạy và học của Chương trình giáo dục phổ thông mới nên là gì?

- Một trong những vấn đề trọng yếu trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông hiện nay là cần phải tách bạch chương trình dạy học với sách giáo khoa. Bởi hiện nay, mặc dù Bộ GD&ĐT đã chấp nhận nguyên tắc “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, nhưng sự lẫn lộn về chức năng của chương trình học với chức năng của sách giáo khoa vẫn còn nguyên đó; và quan điểm coi sách giáo khoa là “pháp lệnh” cho việc dạy và học vẫn tồn tại trong nhà trường (mặc dù Bộ GD&ĐT đã bỏ quan điểm này). Chính quan điểm đó đã trói buộc hoạt động dạy và học trong nhà trường vào bộ sách giáo khoa, biến chương trình học thành đề cương biên soạn sách giáo khoa, biến giáo viên thành công cụ thuyết minh các cuốn sách, dẫn đến lối dạy học “đọc chép” trong nhà trường, làm cho học sinh phải học thuộc lòng những vỏ kiến thức rỗng.

Theo tôi, chương trình học phải được xem là “pháp lệnh”, còn sách giáo khoa chỉ là một trong những công cụ dạy học mà thôi. Mọi hoạt động dạy học, thi cử và quản lý giáo dục đều dựa trên chương trình học chứ không chiếu theo sách giáo khoa. Chương trình học là văn bản pháp quy vạch rõ mục tiêu của việc dạy học, nội dung phải được dạy học, phương pháp tiến hành dạy học và cách thức đánh giá thành quả dạy học (do Bộ GD&ĐT biên soạn và phát hành cho giáo viên thực hiện). Dựa trên chương trình đó, giáo viên sẽ vận dụng kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm của mình, tham khảo các nguồn tư liệu thông tin cần thiết (trong đó bao gồm cả sách giáo khoa) và mọi thứ học liệu khác để soạn giáo án giảng dạy cho học sinh. Giáo viên không thể chỉ dựa vào sách giáo khoa để thuyết minh (thực chất là “đọc - chép”) nhằm nhồi nhét mỗi kiến thức ở đó cho học sinh.

Xin cảm ơn ông!