KTĐT - Tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành từ các công ty thuộc sở hữu gia đình, trong khi các tập đoàn kinh tế Nhà nước lại có nguồn gốc từ các doanh nghiệp (DN) Nhà nước.
Vì nguồn gốc "sinh thành" khác nhau nên năng lực hoạt động, trình độ quản lý của các DN cũng khác xa nhau.
Tập đoàn kinh tế Nhà nước: Lương thưởng thiếu hấp dẫn!
Báo cáo thường niên DNVN năm 2010 của Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) nhận định, trong 5 năm trở lại đây, số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ 113.000 DN năm 2005 lên tới khoảng 249.000 DN năm 2010. Xét theo quy mô vốn, DN nhỏ chiếm tỷ trọng trên 80%. Tuy nhiên, tỷ trọng các DN có quy mô vừa và lớn cũng ngày càng tăng. Trong đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều điểm khác biệt với tập đoàn kinh tế Nhà nước do quá trình hình thành không giống nhau.
Trong khi các tập đoàn tư nhân có thể chủ động điều chỉnh chính sách nhân sự và lương thưởng, tối ưu hóa nguồn nhân lực kể cả các cấp quản lý của mình, thì các DN Nhà nước, kể cả đơn vị đã cổ phần hóa vẫn phải kế thừa số lượng và chất lượng lao động đã được hình thành và xây dựng trong thời kỳ hành chính bao cấp.
Ở tập đoàn có vốn Nhà nước, trên 50% chế độ lương, thưởng không mang tính linh hoạt, hấp dẫn và bị giới hạn hơn so với thị trường bên ngoài. Việc chủ động sắp xếp lại lực lượng lao động dựa trên năng lực và mức độ hiệu quả, đặc biệt là các cấp quản lý vẫn bị hạn chế từ các cơ chế và chính sách của đơn vị chủ quản. Những vấn đề này trở thành rào cản trong quá trình chuyển đổi ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước, ngược lại các tập đoàn tư nhân có lợi thế hơn hẳn trong việc thu hút và xây dựng đội ngũ quản lý có năng lực cao.
Tuy nhiên, xét trên góc độ cơ hội thăng tiến, động cơ chính trị… thì các DN Nhà nước lại có sức hấp dẫn nhất định đối với một bộ phận các chuyên gia quản lý có kinh nghiệm và trình độ. Về khía cạnh này, các DN tư nhân khó có thể cạnh tranh được với các tập đoàn kinh tế Nhà nước trong việc thu hút nhân sự cao cấp.
Doanh nghiệp tư nhânphản ứng nhanh hơn
Theo Viện trưởng Viện Phát triển DNVN (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng, các DN tư nhân thường phản ứng nhanh và linh hoạt hơn trước mọi diễn biến của thị trường trong khi các DN Nhà nước phải phụ thuộc nhiều vào cơ chế và chỉ đạo từ nhiều cấp quản lý khác nhau nên thường "đi sau". Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các tập đoàn kinh tế tư nhân có xu hướng tập trung vào việc tận dụng các cơ hội kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi nhuận và thị phần. Khi các cơ hội mang lại lợi nhuận tức thời không còn nữa, các DN tư nhân sẽ "xoay" sang việc quản lý chặt chẽ hơn, xem xét lại cơ cấu doanh nghiệp để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Như vậy, có thể thấy sự khác biệt cơ bản nhất giữa tập đoàn kinh tế tư nhân và Nhà nước chính là tính bắt buộc và bản chất của nhu cầu tái cấu trúc. Đối với tập đoàn kinh tế tư nhân, việc tái cấu trúc mang tính sống còn và đi sâu vào bản chất nên thường được thực hiện triệt để với tốc độ nhanh. Trong khi đó ở DN Nhà nước, mặc dù có thể mang tính "bắt buộc" nhưng việc tái cấu trúc vẫn mang nặng tính hình thức, khó có thể thực hiện một cách triệt để và nhanh chóng.