Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Thừa mà thiếu, thiếu mà thừa… đang là thực tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Sự đổ vỡ hàng loạt của các vụ vỡ nợ tín dụng đen ở nông thôn là minh chứng rõ ràng nhất cho thực tế này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hệ thống tài chính khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn quá nhiều kẽ hở và bất cập. Các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nông thôn chuyển thành đô thị quá nhanh, các quỹ tín dụng nông thôn chuyển thành ngân hàng TMCP. Còn các tổ chức tài chính vi mô lại chưa thực sự phát triển. Với một nước thị trường tài chính chưa phát triển như hiện nay, phải chấp nhận việc các hình thức sở hữu khác nhau đan xen. Thế nhưng, hiện ngành ngân hàng chú ý quá nhiều đến những cái lớn, quên mất phát triển và duy trì cái nhỏ. Điều này dẫn đến khoảng trống nhu cầu vốn ở nông thôn đã không đáp ứng được. Đây là kẽ hở lớn để tín dụng “đen” hoành hành.
Nói về thực trạng hệ thống ngân hàng hiện nay, T.S Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM thẳng thắn thừa nhận: "Đặc trưng ngành ngân hàng của chúng ta hiện nay là bỏ nông thôn, ôm thành thị; bỏ nghèo ôm giàu nên khu vực nông thôn (chiếm phần 70%) hay các doanh nghiệp nhỏ, người nghèo... thiếu ngân hàng. Hay xét ở góc độ ngân hàng chuẩn cũng thiếu. Ngược lại, ở một số lĩnh vực, một số địa bàn lại thừa. Nói về "đầu" ngân hàng, có cảm giác thừa nhưng nói về sản phẩm, dịch vụ lại thiếu".
Tái cơ cấu cho khu vực nông thôn
Sự đổ vỡ hệ thống tín dụng đen thời gian qua cho thấy hiện khu vực nông thôn đang cần một lượng lớn vốn nhưng không được đáp ứng một cách kịp thời.
Để đáp ứng nhu cầu này từ đó hạn chế tín dụng "đen" là điều các chuyên gia kinh tế đề cập. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đã nêu lên thực tế, có những ngân hàng như Agribank chuyên phục vụ tín dụng nông nghiệp nông thôn cũng đang sao nhãng nhiệm vụ này. Bởi vậy, khi xây dựng Đề án tái cơ cấu Agribank, là phải làm sao để Agribank quay lại dồn lực tập trung cho "chuyên môn chính" là tín dụng nông nghiệp nông thôn của mình.
Trong thông điệp phát đi mới đây, NHNN cũng cho biết, nguyên tắc đầu tiên của quá trình tái cơ cấu là phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình hoạt động. Từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng, từ thành thị tới nông thôn. Phát triển nhiều loại hình ngân hàng hoạt động hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp, đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng của từng tầng lớp dân cư trong xã hội. Bởi vậy, rất có thể, sau khi NHNN "khám" xong sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại, sẽ có một "cuộc chiến" phân chia địa bàn giữa các ngân hàng. Theo đó, một số ngân hàng sẽ buộc phải hoạt động ở những phạm vi nhất định.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng Nguyễn Trọng Tài, việc trước tiên cần làm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng là điều hành đừng bỏ quên khu vực nông thôn. "Để làm được điều này, thì hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân phải nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng phát triển các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, ngân hàng thông qua các tổ chức phường xã như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… để huy động và cho vay cũng là một biện pháp rất hiệu quả để "gỡ khó" vấn đề vốn cho khu vực nông thôn. Mô hình Ngân hàng Chính sách Xã hội là một minh chứng cho điều này"- ông Tài nói.
Bên cạnh đó, NHNN quy định các ngân hàng cần phải dành bao nhiêu vốn cho khu vực nông thôn, cần tổ chức hệ thống mạng lưới ở khu vực nông thôn như thế nào để đáp ứng được nhu cầu vốn của khu vực rất khát vốn này.