Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu nông nghiệp: Then chốt là đổi mới KHCN

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là yếu tố then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Do đó, muốn ngành nông nghiệp đổi mới và phát triển bền vững, việc tháo gỡ những nút thắt trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN có ý nghĩa rất quan trọng.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 3/1.
Nền nông nghiệp... “cơ bắp”
Hội nghị đầu tiên trong năm mới được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành nông nghiệp khi tập trung hơn 130 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở khắp đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tạo đột phá cho ngành của Bộ NN&PTNT khi tìm đến các nhà khoa học để lắng nghe những “hiến kế” tái cơ cấu ngành. Trong 3 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp vẫn đang tồn tại rất nhiều bất cập và hàm lượng KHCN còn hạn chế.

Ký kết hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ và Bộ NN&PTNT chiều 3/1/2017. Ảnh: Quang Thiện

GS.Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ, trăn trở nhất là mặc dù GDP của ngành tăng nhưng đời sống của người nông dân vẫn khổ. Việt Nam có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, song chủ yếu là nền nông nghiệp gia công, nền nông nghiệp “cơ bắp”. Điều đáng nói, việc nghiên cứu khoa học vẫn dựa vào nguồn lực Nhà nước là chính, nhưng hầu hết các giống mới lại thuộc về sở hữu của các nhà khoa học đã về hưu hay ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, đến nay, nước ta vẫn thiếu các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu ở tầm quốc gia, nhất là giống lúa gạo, do chiến lược về KHCN chưa thật trúng, đúng và còn manh mún.
Năm 2016 được đánh giá là một năm đại thắng của ngành rau quả với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, vượt qua mặt hàng gạo. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam vẫn ngậm ngùi, còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết. Hay như lĩnh vực thủy sản, vốn được đánh giá là xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD trong năm 2016 cũng đang tồn tại nhiều yếu kém. Trong đó, riêng giống tôm bố mẹ phải nhập khẩu gần 100%.
Đổi mới cơ chế đặt hàng
Đã đến lúc cần nhiều hơn đến yếu tố chất lượng, chiều sâu, có sự góp sức của KHCN trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hướng tới nông nghiệp xanh, hữu cơ, chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Việc ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành, vùng, miền.
Bộ trưởng Bộ KH&CN
Chu Ngọc Anh
Cú lội ngược dòng thành công kéo đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp từ mức âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016 lên con số 1,2% trong cả năm cho thấy sự nỗ lực lớn của toàn ngành. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đầy thách thức do biến đổi khí hậu cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chúng ta sẽ không thể trụ vững nếu không đổi mới mạnh mẽ cơ chế nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp. Do vậy, nhiều góp ý “gan ruột” của các nhà khoa học nhận được sự tán thưởng lớn của các đại biểu có mặt tại hội nghị.
GS.TS Trần Duy Quý, chuyên gia hàng đầu về giống lúa cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách thức đặt hàng nghiên cứu KHCN. Thay vì cơ chế “xin - cho”, mang lại lợi ích cho một nhóm nhà khoa học thì Bộ NN&PTNT nên nghĩ tới cơ chế đặt hàng “khoán” từ A - Z. Theo đó, với mỗi đơn hàng nghiên cứu giống mới, Bộ NN&PTNT cần đưa ra “đầu bài”, nếu kết quả nghiên cứu đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu thì cấp tiền, nếu không đạt chất lượng thì nhà khoa học phải trả lại tiền. “Làm như vậy tránh được hiện tượng nghiên cứu kiểu trả bài, đề tài làm xong đút ngăn kéo” - GS.TS Trần Duy Quý bày tỏ.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần mạnh dạn đánh giá thực trạng, lộ trình KHCN đối với tất cả cây trồng của nước ta hiện nay xem đang ở mặt bằng nào so với khu vực và thế giới để có hướng đầu tư phù hợp. GS Vũ Trọng Hồng – Hội Thủy lợi Việt Nam đề nghị, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên tập trung ưu tiên cho những vùng ít bị rủi ro bởi thiên tai, thời tiết. Đồng thời, giữa nông nghiệp và thủy lợi có mối quan hệ hữu cơ nên mỗi dự án nông nghiệp cần phải có dự án thủy lợi đi kèm mới đạt hiệu quả cao.
Một tín hiệu đáng mừng là ngay sau kết thúc hội nghị, Bộ NN&PTNT đã “bắt tay” ký kết với các đơn vị nghiên cứu KHCN, DN để triển khai nhiều dự án thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tranh thủ mọi nguồn lực

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường với Kinh tế & Đô thị bên lề hội nghị, sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học cho ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp hiện nay?

- Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đã đạt được một số kết quả sơ bộ. Một số ngành hàng bằng nhiều năm tích lũy đã hội nhập được như thủy sản (cá tra, tôm), rau quả… Các tập đoàn, DN lớn vốn đầu tư ngoài ngành nông nghiệp cũng đã quan tâm đến đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất còn manh mún với 13,8 triệu hộ dân. Trình độ KHCN từ khâu sản xuất đầu vào, chế biến đẳng cấp còn thấp dẫn đến giá bán không cao, chuỗi giá trị ngắn và bấp bênh về thị trường.

Những hiến kế của các nhà khoa học đầu ngành tại hội nghị có ý nghĩa như thế nào với ngành nông nghiệp?

- Trong suốt giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đón nhận được sự ủng hộ rất lớn và vào cuộc của các nhà khoa học. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên xuất khẩu gạo trong tốp đầu thế giới và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD năm 2016.

Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại hội nghị là vô cùng quý báu. Do đó, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các nhà khoa học để triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào khâu then chốt là đổi mới KHCN. Trong đó, tận dụng mọi nguồn lực về khoa học từ của Nhà nước đến tư nhân, DN, các thành phần kinh tế, tạo nên trào lưu mới về nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp. Sau hội nghị này, Bộ sẽ xây dựng cơ chế hợp tác để đón nhận những ý tưởng, đề tài, chương trình, tham vấn thiết thực của các nhà khoa học vào tái cơ cấu ngành.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thiên Tú thực hiện


Bộ NN&PTNT cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dự báo thiên tai để đưa ra các kịch bản, cấp độ ứng phó khác nhau. Đặc biệt, có cơ chế chính sách đảm bảo sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh thương mại hóa KHCN gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và hỗ trợ nông dân.

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh  nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi


Hiện nay, có 2 “nguồn gen” quý trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp là DN và nhà khoa học. Bộ NN&PTNT cần đổi mới cách tiếp nhận thông tin, hiến kế bằng nhiều cách như văn thư, email,.. có như vậy, ngành nông nghiệp mới có nhiều sáng kiến khoa học tốt phục vụ tái cơ cấu ngành.

TS Lê Hưng Quốc  Phó Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam