Để tái cơ cấu nhanh chóng đạt hiệu quả, việc điều chỉnh lại nguồn lực cũng như cách thức đầu tư là một giải pháp khá quan trọng.
Thiếu sức cạnh tranh
Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sinh thái phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô với khoảng 10 triệu dân. Với địa hình đa dạng có cả vùng đồng bằng, đất bãi, đồi gò, miền núi và nhiều con sông chảy qua, Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản mà các địa phương khác không có. Đó là chưa kể Hà Nội cũng dành nguồn lực không nhỏ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn so với các địa phương khác. Thế nhưng nhìn lại, nông sản của Thủ đô vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường.
Một ví dụ cụ thể, Hà Nội có khoảng trên 100.000ha đất trồng lúa mỗi vụ với nhiều vùng lúa hàng hóa. Tuy nhiên, điều mà nhiều người tiêu dùng mong chờ là một thương hiệu gạo Hà Nội thực sự mạnh lại đang thiếu. Ngoài gạo Bồ Nâu (xã Thanh Văn), gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng) của huyện Thanh Oai đã có nhãn hiệu, Hà Nội chưa có nhiều loại gạo đặc sản có chỗ đứng trên thị trường. Về cây ăn quả, hiếm có địa phương nào ở khu vực phía Bắc lại sở hữu nhiều trái cây đặc sản như Hà Nội, từ cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, ổi Đông Dư… Song, đến nay vẫn chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và hàm lượng ứng dụng CNC khá thấp.
Đối với cây rau, theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thoa, Hà Nội dẫn đầu cả nước về diện tích rau an toàn, song yêu cầu giữ được độ an toàn tuyệt đối, đảm bảo ATTP vẫn là câu chuyện cần bàn thảo. Hơn nữa, TP chưa chủ động được nguồn giống rau, phần lớn phải nhập các giống rau có năng suất, chất lượng cao. Thực trạng này cũng tương tự trong sản xuất hoa. Bà Thoa phân tích, có 3 khó khăn chính đang tác động tới sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Đó là phụ thuộc vào thiên nhiên, khí hậu, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt. Thứ hai, chuyển đổi đất lúa đã diễn ra nhưng chưa mạnh mẽ, chưa đạt được yêu cầu. Thứ ba, hiện nay quản lý sản xuất còn bất cập do manh mún và chỉ có 20% số HTX hoạt động hiệu quả. Đây là những khó khăn cản trở việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chất lượng chưa cao, hình thức, mẫu mã chưa đủ sức cạnh tranh, trong khi công tác bảo quản, chế biến và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều việc phải làm.
Tạo bứt phá cho nông sản chủ lực
Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vốn dĩ đã manh mún, nhỏ lẻ lại càng chịu sự tác động mạnh mẽ, thu hẹp diện tích canh tác do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Bởi vậy, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là nhiệm vụ hết sức quan trọng, như Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nói, tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016. Một thuận lợi là UBND TP đã phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó đã định hướng ưu tiên một số lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng CNC.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng chất lượng sản phẩm và ATTP như lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản… Riêng với cây lúa, đến năm 2020, TP vẫn xác định diện tích đất lúa khoảng hơn 92.000ha, trong đó nhóm giống lúa thơm, chất lượng cao chiếm từ 40 – 45%. Đặc biệt, TP bố trí vùng lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô 40.000ha tại các huyện trọng điểm là Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì… Đối với rau, định hướng đặt ra là đẩy mạnh áp dụng CNC vào sản xuất, trước hết là quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa và tương lai phục vụ xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu cho một số loại rau đặc sản của Hà Nội. Với cây ăn quả, hai nhóm sản phẩm chủ lực được tập trung ưu tiên đầu tư là nhóm cây có múi và nhãn, vải, chuối.
Về chăn nuôi, hình thành các khu chăn nuôi trang trại tập trung, xa khu dân cư và phát triển theo chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ, nhất là với các vật nuôi như lợn, bò sữa, bò thịt và gia cầm. Theo ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chăn nuôi của TP sẽ hướng mạnh sản xuất giống nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm cung cấp giống vật nuôi chất lượng cao cho các địa phương trong khu vực. Hướng đi này nhằm thích ứng với điều kiện diện tích canh tác giảm dần và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho đô thị lớn. Hiện tại, Hà Nội đang chuyển giao con giống và kỹ thuật chăn nuôi bò BBB cho nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Như vậy, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP đã vạch rõ những bước đi cần thiết, xác định các sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển mạnh mẽ. Qua đó từng bước tạo dựng chỗ đứng cho nông sản mang thương hiệu Hà Nội trên thị trường.
Tái cơ cấu đầu tư
Có thể nói, thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm tới các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Bằng chứng là Thành ủy có một chương trình công tác trọng tâm cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. HĐND TP có Nghị quyết số 25/2013/NQ - HĐND về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản phẩm nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội. Rồi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016 - 2020… Tuy nhiên, theo đánh giá, đầu tư cho nông nghiệp của Hà Nội chưa tương xứng và còn hạn chế so với các ngành, lĩnh vực khác. Thêm vào đó, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, dù có vai trò rất quan trọng nhưng trong mấy năm vừa qua, đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của ngành. Việc đầu tư mất cân đối, mới chỉ tập trung chủ yếu cho hạ tầng đô thị. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng của Hà Nội có một vị trí quan trọng đối với cả nước. Do vậy, trong thời gian tới cần có sự thay đổi trong cơ cấu bố trí nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp TP cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC trên quy mô lớn. Để làm được điều đó, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, tạo được các vùng sản xuất lớn. Có như vậy mới thu hút được các DN, nhất là DN nước ngoài vào đầu tư phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Có một thực tế là lâu nay, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu được rót vào lĩnh vực thủy lợi thay vì đầu tư trực tiếp cho sản xuất. Bởi vậy, trong kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP cũng đã coi việc thay đổi cơ cấu, cách thức đầu tư là một trong những giải pháp xương sống. Theo đó, ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển đổi sản xuất cũng như nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, điều chỉnh hình thức nguồn lực đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa đầu tư và phân cấp quản lý đầu tư nhiều hơn cho các địa phương.
Trồng lan công nghệ cao tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Thiện
|
Sản xuất nông nghiệp phải hướng đến thị trường, đánh giá đúng nhu cầu của thị trường và xa hơn là hướng tới xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |