Tài hoa nghệ nhân mộc Phúc Cầu

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc phát triển hiệu quả nghề phục dựng các công trình nhà gỗ cổ, người làng Phúc Cầu, xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần không nhỏ phát huy nghề truyền thống của làng.

Hơn nhau ở nước đục
Trong những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng nâng cao, người dân có xu hướng tìm về những nếp nhà gỗ cổ. Những làng nghề phục dựng nhà gỗ cổ vì thế có cơ hội được vực dậy. Với hơn 20 cơ sở sản xuất lớn, mỗi năm tham gia phục dựng hàng trăm công trình đình, chùa, nhà cổ khắp cả nước, làng nghề Phúc Cầu nổi lên như một điểm sáng của nghề phục dựng nhà cổ cùng các công trình nổi tiếng. Ấy là đình La Khê, Bia Bà (Hà Đông), Đền Trần (Quảng Ninh), tháp chuông chùa ở Thường Tín… Tiếng lành đồn xa, khách hàng về tận nơi tìm đúng thợ Phúc Cầu để đặt hàng. Chả thế mà những người thợ của làng luôn chân, luôn tay cả năm không hết việc.
Ông Nguyễn Văn Sòng (Phúc Cầu, Thụy Hương) đang đục chạm một bức tranh tứ quý ở xưởng của gia đình. Ảnh: Nga Nguyễn
Là một trong những gia đình có 5 đời làm nghề phục dựng công trình nhà gỗ cổ, gia đình cụ Nguyễn Văn Tạo hiện giờ đã tạo dựng được tên tuổi ở địa phương, kinh tế khá giả vào bậc nhất làng. Hiện cả 5 người con trai của cụ đều theo nghề mộc và có xưởng sản xuất riêng. Mỗi xưởng có đến vài chục thợ, đặc biệt xưởng nhà ông Nguyễn Văn Luận có tới hơn một trăm công nhân, doanh thu mỗi năm lên tới cả trăm tỷ đồng. Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng cụ Tạo vẫn rất minh mẫn và nhớ rành rọt các bước phục dựng một công trình nhà gỗ cổ. Theo cụ Tạo, nét đẹp của một công trình nhà gỗ cổ hơn nhau ở các đường nét, hoa văn chạm trổ trên gỗ. Các hoa văn, nét chạm trổ phải mềm mại, nước đục phải điêu luyện để biến những khúc gỗ vô hồn thành có hồn. Người thợ sáng dạ, tài hoa sẽ khắc họa vào sản phẩm những hình ảnh đẹp đẽ, thanh cao. Từng hoa văn dù nhỏ hay lớn đều lột tả sự công phu, tỉ mỉ, miệt mài của người chạm trổ. Tâm huyết của nghệ nhân, người thợ đều gửi gắm vào sản phẩm, từ đó tạo nên nét đặc biệt, cái hồn mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.

Đề cao chữ “tâm”

Để dựng được một ngôi nhà cổ, người thợ phải cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng. Bởi theo quan niệm xưa, một ngôi nhà đẹp, chất lượng tốt, vừa phải đảm bảo yếu tố tâm linh phong thủy. Vì vậy, người thợ cần phải am hiểu về thuật phong thủy và có tâm mới làm được nghề. Việc lựa gỗ tưởng đơn giản, nhưng lại cần nguyên tắc riêng. Theo kinh nghiệm của người thợ Phúc Cầu, khi chọn gỗ phải lưu ý, không dùng gỗ cưa cụt ngọn, hoặc cây bị sét đánh, bởi như thế sẽ làm mất lộc của gia chủ, hay dựng cột nhà tránh chúc ngọn cây xuống dưới và gốc lên trên… Bên cạnh đó, người thợ phải am hiểu các điển tích để có sự kết hợp các hoa văn một cách hài hòa. Như trong bộ tranh tứ quý, mỗi loại cây lại kết hợp với một con vật riêng: Tùng kết hợp với chim hạc, Trúc kết hợp với chim công, Mai lại phải đi với chim điểu… Mỗi chi tiết đều phải thể hiện được hồn cốt riêng để tạo nên một công trình tổng thể sống động.

Ông Nguyễn Văn Sòng, năm nay 66 tuổi nhưng đã gần 60 năm gắn bó với nghề phục dựng nhà cổ cho biết: Những người thợ ở Phúc Cầu khi làm việc luôn lấy chữ “tâm” làm đầu. Ngoài kinh nghiệm trong nghề, người thợ còn phải có nhiệt huyết và tình cảm khi thực hiện mỗi công trình, khi đó sản phẩm mới đạt độ hoàn hảo nhất.

Nhờ tay nghề điêu luyện và chữ “tâm” với công việc mà nghề phục dựng đình, chùa, nhà cổ ở Phúc Cầu vẫn tồn tại và phát triển hưng thịnh bao đời nay. Cái tâm với nghề không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp tên tuổi của làng vang danh trong thiên hạ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần