Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia và lãnh đạo 63 tỉnh, TP trên cả nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia điều hành hội nghị.
Tai nạn và ùn tắc giao thông đều giảm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đã cập nhập số liệu thống kê về tình hình trật tự, ATGT trong năm 2021. Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT), tính từ ngày 15/12/2020 - 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%).
Trong số 61 tỉnh, TP trên cả nước thì có tới 55 địa phương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ttrong đó 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn còn 4 tỉnh là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, Kiên Giang và Thái Bình là 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên.
Về ùn tắc giao thông, năm 2021, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, tính đến ngày 15/12/2021, toàn quốc xảy ra 124 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài. Nguyên nhân do TNGT 72 vụ (58,1%), các yếu tố thiên tai, thời tiết như mưa lớn gây ngập đường, sạt lở đất 27 vụ (21,8%); ảnh hưởng của việc thực hiện kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là 23 vụ (18,5%); lưu lượng phương tiện giao thông đông có 2 vụ (1,6%).
Làm rõ nguyên nhân để đưa ra những giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT thiết thực
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, TNGT trong năm 2021 tiếp tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều này có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực của các lực lượng chức năng ngành công an, GTVT.
Tuy nhiên, dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, TNGT vẫn ở mức cao. Trong đó vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, gây bất bình trong Nhân dân.
Trước những tồn tại trên, Chính phủ đã ban hành một số văn bản có liên quan trực tiếp đến công tác trật tự, ATGT như Nghị định 123/2021/NĐ-CP trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Những Nghị định trên được ban hành để triển khai ngay từ đầu năm 2022. Nhiều quy định trong hai bản Nghị định được điều chỉnh theo hướng ăng mạnh mức xử phạt, cũng như tăng thẩm quyền xử phạt cho các lực lượng chức năng; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa vi phạm là chính.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng, các tỉnh, TP cần làm rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm vừa qua và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này, để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.
Năm 2021, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý 2,77 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, phạt tiền 2.704,5 tỷ đồng. Trong số này, có 161,3 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 5,81%); 1.802 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%); gần 35,6 nghìn trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,28%); 9,9 nghìn trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,36); hơn 83,4 nghìn trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 3,01%); 252,9 nghìn trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 9,11%). Trên đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 8.075 trường hợp, phạt tiền gần 4,1 tỷ đồng; trên đường thủy xử lý hơn 100,5 nghìn trường hợp, phạt tiền 100 tỷ đồng.