Theo ngành đường sắt, TNGT tăng trong thời gian qua chủ yếu tại các đường ngang dân sinh. Cùng với đó, do các đơn vị thi công đường sắt chưa làm hết trách nhiệm nên gây ra các sự cố chạy tàu. Chất lượng đầu máy toa xe cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong 3 tháng đầu năm xảy ra 286 vụ sự cố chạy tàu, tăng 85 vụ. Trong đó, hệ đầu máy xảy ra 52 vụ, tăng 30 vụ; hệ toa xe xảy ra 105 vụ, tăng 22 vụ; hệ vận tải xảy ra 9 vụ, tăng 4 vụ... Qua phân tích, trong khi số vụ TNGT do nguyên nhân khách quan tăng gần 32% thì nguyên nhân chủ quan trong ngành tăng đến 100%. Đặc biệt, có 47 vụ do ô tô đổ vào đường sắt, đâm va vào tàu, trong đó 14 vụ có người chết và bị thương. Như vụ TNGT xảy ra ở Quảng Trị hôm 10/3 là ví dụ điển hình về tình trạng xe ô tô tải cố tình lao qua đường ngang khi tàu đến và gây TNGT.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, để giảm thiểu các vụ TNGT đường sắt, vấn đề cốt lõi là các địa phương phải vào cuộc cùng ngành đường sắt đảm bảo ATGT. Trước mắt, Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường bảo đảm an toàn, trong đó có xử lý triệt để các điểm đen TNGT. Cùng với đó, ngành đường sắt cũng đã đưa ra một loạt biện pháp đảm bảo ATGT như rà soát tất cả các đường ngang để kiến nghị sở GTVT các địa phương và công ty quản lý đường bộ cắm đầy đủ các biển báo đường bộ, vạch gờ giảm tốc cưỡng bức, quy định rõ loại phương tiện có tải trọng nào thì được phép đi qua đường ngang. Trong khi chưa xóa được các đường ngang dân sinh, các địa phương cần tiếp tục phối hợp để đảm bảo ATGT. Ngoài ra, Tổng Công ty cũng đề nghị các địa phương có tuyến đường sắt đi qua áp dụng ngay giải pháp buộc DN có nhiều phương tiện qua lại đường ngang bắt buộc phải tổ chức cảnh giới hoặc làm việc với các đơn vị quản lý đường sắt thuê nhân viên cảnh giới, từ đó sẽ bảo đảm cho xe ô tô của DN qua lại đường ngang được an toàn.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ngày 10/3 tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
|