Chỉ tính riêng trong tháng 11/2013, tại điểm giao cắt này đã xảy ra tới 3 vụ tai nạn nghiêm trọng gây thương vong về người và thiệt hại nhiều tài sản.
Sống âu lo bên hành lang đường sắt
Từ đường Ngô Gia Tự rẽ vào ngõ 53 đi thẳng chừng vài chục mét là tới điểm giao cắt nêu trên. Theo ghi nhận của chúng tôi, đường sắt giao cắt với phố Thượng Thanh rất khó quan sát do hai bên ngõ 53 Ngô Gia Tự nhà cửa mọc san sát. Người dân kinh doanh hàng quán hai bên đường cũng tự ý lấn chiếm vỉa hè, giăng mái che, đặt biển quảng cáo dọc lối đi. Phải rất chú ý, người đi đường mới thấy tấm biển cảnh báo nguy hiểm giao cắt với đường sắt. Bên cạnh đó, điểm giao cắt nằm trên tuyến đường có độ dốc lớn. Điều này khiến những tay lái "non" gặp nhiều khó khăn khi lưu thông qua đây. Không ít trường hợp xe ô tô bị "chết máy" giữa đường ray khi đang ì ạch leo qua đoạn dốc.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua điểm giao cắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cho lắp đặt hệ thống còi tự động cảnh báo nguy hiểm. Hệ thống này phát âm thanh cảnh báo khoảng 3 phút trước khi tàu hỏa đi qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân sống xung quanh, hệ thống cảnh báo tự động này thường xuyên bị trục trặc. Nhiều hôm, còi mới kêu được 1 phút đã thấy tàu chạy qua, lại có những thời điểm còi kêu kéo dài tới 15 - 20 phút nhưng chờ mãi không thấy tàu đến (?!). Chị Nguyễn Thị Toàn, trú tại số 1 ngõ 20 phường Thượng Thanh cho biết, vào hồi 19 giờ ngày 12/11, tại điểm giao cắt này đã xảy ra vụ tàu hỏa đâm xe taxi 7 chỗ khiến 9 người quê huyện Lương Tài (Bắc Ninh) gặp nạn (trong đó có 1 người chết và 8 bị thương) và là vụ thứ 3 trong tháng 11 này.
Trao đổi với các hộ dân có nhà ở cạnh điểm giao cắt tất cả đều rất lo lắng bởi hiểm họa tai nạn đường sắt không chỉ rình rập người đi đường mà còn đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình nơi đây.
Mỏi mắt chờ... rào chắn
Một trong những nguyên nhân khiến điểm giao cắt giữa đường sắt với phố Thượng Thanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn là do không có rào chắn. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, ý thức của nhiều người dân khi lưu thông qua điểm giao cắt chưa cao. Vào thời điểm khảo sát, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng rất nhiều học sinh các cấp Tiểu học, THCS, THPT cũng như người dân trên địa bàn phường Thượng Thanh băng qua điểm giao cắt khi tàu hỏa chỉ cách chừng vài chục mét. Thậm chí, nhiều người có ý tốt, lên tiếng nhắc nhở các trường hợp vượt đường ray khi tàu đang tới gần chỉ nhận về những ánh nhìn "sắc lẹm" và lời đáp lại thiếu thiện chí.
Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh cho biết, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị lên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị bố trí rào chắn tại điểm giao cắt. Tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời miệng kiểu như điểm giao cắt trên địa bàn phường chưa đủ điều kiện để lập rào chắn... Liên quan tới việc đảm bảo an toàn cho người dân, ông Hoàng Văn Lực cho biết, trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục kiến nghị với ngành đường sắt về việc khắc phục "điểm đen" này, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi lưu thông qua đây.
Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Phạm Văn Bình - Trưởng ban ATGT đường sắt Việt Nam, ông Bình cho biết, Ban chưa nhận được kiến nghị của chính quyền địa phương về việc xây dựng rào chắn tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ tại phố Thượng Thanh. Đồng thời ông Bình cho biết thêm, điểm giao cắt trên chỉ là 1 trong 7.000 đường ngang cần xây dựng rào chắn trong cả nước. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế hiện nay rất khó để ngành đường sắt có thể khắc phục ngay tình trạng này.
Và trong khi các cơ quan chức năng loay hoay trong việc tìm lời giải hợp lý cho bài toán an toàn thì người dân vẫn ngày ngày đối diện với nguy hiểm mỗi khi lưu thông qua điểm giao cắt này.
Tai nạn rình rập tại điểm giao cắt không có rào chắn.
|