Một trong những hạng mục của trường Mầm non Lê Thanh B đang bị xuống cấp dễ gây nguy hiểm cho học sinh. Ảnh: Công Tâm |
Đầu tháng 9/2020, theo khảo sát thực tế của phóng viên tại 3 ngôi trường trên địa bàn xã Lê Thanh nhận thấy, tại trường Tiểu học Lê Thanh B có 2 dãy nhà tầng với 16 phòng học được xây dựng từ năm 2003. Nhiều năm qua, cứ chuẩn bị bước vào năm học mới là nhà trường lại phải sửa chữa. Tuy nhiên đến nay nhiều hạng mục tiếp tục bị xuống cấp. Tại đây, trần nhà và tường bao quanh các lớp học của ngôi trường đều đã bị thấm dột, nhiều vị trí bị bục vỡ lớp vữa trát tường, nền nhà bị bong tróc, cửa gỗ thì mục nát. Nguy hiểm hơn là toàn bộ hệ thống lan can làm bằng sắt khu vực hành lang đã bị hoen gỉ, mặc dù hàng năm được nhà trường hàn gia cố nhưng vẫn không bảo đảm an toàn, nguy cơ gãy đổ rất cao.
Với trường Mầm non Lê Thanh B, được xây dựng từ năm 1998 trên diện tích 1.050m2, đến nay các lớp học, sân trường đều chật chội, ẩm thấp, không bảo đảm việc dạy và học. Nhiều vị trí tường, trần nhà, khu vệ sinh bị thấm nước dẫn tới bục vỡ tường, trần. Việc sửa chữa hàng năm ở ngôi trường này chỉ thực hiện cho có để phụ huynh học sinh yên tâm đưa con đến lớp. Với trường THCS Lê Thanh cũng vậy, tại đây nhiều bức tường, trần nhà không chỉ bị thấm nước, dột, bục vỡ, nguy hiểm hơn nhiều vị trí sắt, thép khung của công trình bị hoen gỉ trơ lõi.Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Thanh B Nguyễn Thị Thuận bộc bạch: Không chỉ nhiều hạng mục của ngôi trường bị xuống cấp, gây nguy hiểm cho học sinh mà sự chật chội của ngôi trường khiến trường chưa đạt chuẩn, cũng ảnh hưởng đến tiến độ về đích nông thôn mới của xã. Mặc dù, nhà trường đã đề nghị UBND xã và UBND huyện xây dựng trường mới để cô và trò yên tâm giảng dạy, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hồi âm. Trong khi đó, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Thanh B Bạch Thị Hoàn cho biết, hàng chục năm qua, chuẩn bị vào đầu năm mới nhà trường lại phải hoàn thiện thủ tục xin UBND xã và UBND huyện kiểm tra, đầu tư sửa chữa các hạng mục bị xuống cấp. Như đến hẹn lại lên, năm nay sửa vị trí này thì sang năm học sau lại phải sửa chữa những chỗ khác. Tuy nhiên, năm học nào cũng nơm nớp lo sự cố lở trần, đổ lan can... có thể xảy ra bất cứ lúc nào làm ảnh hưởng đến tính mạng học sinh.Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Phạm Trọng Của, do địa phương gặp nhiều khó khăn, không đủ lực, nên phải trông chờ vào nguồn ngân sách của TP và huyện để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tiêu chí giáo dục được xác định là khó khăn nhất, vì hiện nay cả 5/5 trường học trên địa bàn đều chưa được công nhận đạt chuẩn. Trong đó, 3/5 trường vẫn phải sử dụng công trình được xây dựng khoảng 20 năm trước với nhiều hạng mục bị xuống cấp. Mặc dù UBND xã đã đề nghị UBND huyện quan tâm đầu tư xây mới 3 ngôi trường để bảo đảm theo quy định trường chuẩn và cũng là hoàn thiện tiêu chí chuẩn giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.Trước những khó khăn và sự xuống cấp của các hạng mục công trình 3 trường học đang gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học cũng như tính mạng học sinh, do vậy, việc UBND huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội quan tâm đầu tư quy hoạch, xây dựng 3 trường học trên địa bàn xã Lê Thanh là rất cấp thiết.