Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tài xế phản ứng trạm thu phí BOT: Do bất hợp lý và thiếu minh bạch

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong những ngày đầu năm mới 2018, làn sóng phản đối của tài xế tại các trạm thu phí BOT đã xuất hiện và có dấu hiệu ngày càng trở nên căng thẳng.

Có dấu hiệu lan rộng

Ngày 1/1, trong khi cả nước vẫn đang tràn ngập không khí đón năm mới thì tại Trạm BOT Ninh An (tỉnh Khánh Hòa), hàng chục tài xế đã tập trung tại khu vực trạm để phản đối, từ chối mua vé và yêu cầu chủ đầu tư phải giải thích rõ ràng những vấn đề liên quan đến vị trí đặt trạm cũng như chủ trương miễn, giảm phí cho các phương tiện. Theo những tài xế này, phương án chỉ giảm phí 100% cho các phương tiện thuộc xã Ninh Quang, Ninh Lộc và phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang áp dụng ở Trạm BOT Ninh An là không hợp lý và thiếu công bằng. Bởi rất nhiều địa phương khác cũng nằm ở vị trí lân cận trạm thu phí nhưng lại không được đưa vào danh sách miễn, giảm giá vé. Sự việc khiến giao thông trên QL1, đoạn qua trạm ùn tắc kéo dài. Không còn cách nào khác, đơn vị quản lý trạm đã buộc phải tiến hành xả trạm để thông xe.

Tài xế treo băng rôn, biểu ngữ trên xe để phản ứng tại Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Ảnh: Lê An

Tình trạng trên tiếp tục lặp lại trong 2 ngày sau đó. Đặc biệt, trong ngày 3/1, Trạm BOT Ninh An đã phải xả đến hơn chục lần. Thậm chí, khi nhân viên trạm đã gỡ hết các gác chắn để phương tiện đi qua nhưng nhiều tài xế vẫn nhất quyết không chịu di chuyển khỏi làn thu phí.

Sang ngày 4/1, làn sóng phản đối của các tài xế tiếp tục lan sang Trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (TP Cần Thơ). Ngay từ 9 giờ 30 sáng, hàng loạt tài xế đã áp dụng nguyên chiêu của đồng nghiệp ở Khánh Hòa là dừng xe ngay giữa làn thu phí và kiên quyết không chịu mua vé qua trạm. Sự việc diễn ra liên tục từ 9 giờ 30 - 10 giờ 30, khiến cả 3 làn thu phí tại Trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp bị tê liệt, giao thông trên QL1, đoạn qua trạm thu phí bị ùn tắc kéo dài hơn 2km. Sau gần 3 giờ đồng hồ, trạm thu phí hoàn toàn bị tê liệt và có yêu cầu của Sở GTVT tỉnh Cần Thơ về việc xả trạm để tránh ùn tắc giao thông, chủ đầu tư mới thực hiện xả trạm. Điều đáng nói, các tài xế tiếp tục không chịu di chuyển khiến tình trạng ùn tắc tại Trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp trở nên nghiêm trọng hơn, bất chấp việc lãnh đạo địa phương và các lực lượng chức năng đã huy động cán bộ, chiến sĩ CSGT tới hiện trường để đảm bảo trật tự và điều tiết, phân luồng phương tiện.

Phải giải quyết tận gốc vấn đề

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính khiến làn sóng phản đối các trạm BOT giao thông tái diễn trở lại là do cách giải quyết những vấn đề tồn tại của những trạm này hiện nay vẫn nửa vời, chưa dứt điểm và chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đại đa số người dân. “Muốn người dân không phản ứng nữa thì phải giải quyết tận gốc vấn đề. Chỗ nào bất hợp lý thì phải kiên quyết giải quyết ở chỗ đó” - ông Kiêm nói.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, biện pháp giảm giá vé đang áp dụng hiện nay giống như một liều thuốc giảm đau tạm thời, nó không thể trị tận gốc các chứng bệnh đang tồn tại ở các trạm BOT. Cái chính là phải làm đúng và công khai, minh bạch mọi thứ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, khi tính toán về mức thu phí và phạm vi miễn giảm giá vé của các trạm BOT giao thông cần hợp lý và tuyệt đối chính xác. “Không nên quá chắt chiu hoặc quá tính toán vì người dân rất nhạy cảm trong chuyện đó. Cần phải có văn bản cụ thể quy định về phạm vi giảm phí, khi đó người dân sẽ hiểu” - ông Thủy nói và cho rằng, ngoài mức thu phí, vị trí đặt trạm sai chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra làn sóng phản ứng của người dân.

Nếu mức thu phí áp dụng tại các trạm BOT căn cứ vào chi phí của nhà đầu tư đã hợp lý rồi thì mình phải công khai, minh bạch. Mức thu phí cao quá thì người dân sẽ không chịu được, còn thấp quá thì Nhà nước bù vào cũng không được. Mọi vấn đề công khai mà hợp lý thì người dân cũng sẽ công nhận thôi.

TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam