Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, anh Nguyễn Văn Luân đã mạnh dạn thuê 20ha đất tại địa phương trong thời gian 15 năm, trở thành người tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi của xã Cổ Đông. Từ sự hỗ sợ của anh, gần 40 hộ dân trong xã đã cùng tham gia trồng trọt và chăn nuôi lợn. Từ kiến thức học hỏi được, anh đã giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm nhiều lần để giúp bà con đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao nhất. Để tìm đầu ra cho sản phẩm của người dân, anh đã tìm được mối liên kết với Công ty Thái Lan để tiêu thụ sản phẩm. Không dừng ở đó, năm 2014, anh quyết tâm thành lập xưởng may, nhằm tạo công ăn việc làm cho những lao động phổ thông dư thừa. Ngoài ra, anh còn tổ chức dạy nghề miễn phí cho các cháu mới vào làm. Ai có khó khăn cần vay vốn, anh đều cho vay không lấy lãi. Tính đến cuối năm 2015, xưởng may của anh có 200 công nhân là con em của bà con trong thôn, xã được thu nhận vào làm việc với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dạy con của công nhân, anh Luân còn mở nhà trẻ trong khu đất của mình. Các cháu được chăm sóc, ăn uống 3 bữa trong ngày đảm bảo đủ chất dinh dưỡng như quy định chế độ ăn của các trường mầm non. Nhưng dường như bấy nhiêu việc làm chưa đủ, anh bảo rằng, trong anh vẫn luôn day dứt, đau đáu một mơ ước rằng phải làm một điều gì đó cho những nạn nhân chất độc da cam. “Tôi thường không thể kìm nén được cảm xúc của mình khi chứng kiến cảnh những nạn nhân chất độc da cam đang ngày đêm quằn quại vì các căn bệnh quái ác. Tôi tin rằng, những trái tim sắt đá nhất chắc chắn sẽ không khỏi bàng hoàng khi nhìn những bức ảnh chân thực nhất về các nạn nhân chất độc da cam qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi tự thấy mình cần phải quan tâm, ủng hộ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân da cam, với mong muốn sẻ chia bớt khó khăn gian khổ mà họ đang gánh chịu” - anh Luân tâm sự. Sau khi tham khảo, tìm hiểu tài liệu, để chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân chất độc da cam, anh Luân đã góp tiền, công sức nạo vét lòng hồ, đắp đất, cạp bờ, san ủi đào đất để hỗ trợ xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc dioxin Việt Nam (Lương Sơn, Hòa Bình). Tổng chi phí cho các hạng mục mà HTX của anh giúp đỡ trị giá 1,5 tỷ đồng. “Đó chỉ là khoản vốn nhỏ mà tôi cũng như HTX Sơn Vân muốn giúp Trung tâm có điều kiện tổ chức tăng gia sản xuất, nuôi trồng thủy sản, giúp đỡ các nạn nhân bớt khó khăn” - anh Luân cho hay. Dù chưa phải là một cơ sở lớn nhưng Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc dioxin Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung luôn che chở cho những số phận thiệt thòi, nhỏ bé bị bỏ rơi. Hiện Trung tâm đã đi vào hoạt động, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức và chính quyền. Và tấm bằng tri ân người có công, ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam cùng nhiều bằng khen, giấy khen từ cấp thị xã, TP tới cấp T.Ư đã minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc, sự năng động, sáng tạo của Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Vân Nguyễn Văn Luân. Một người cựu chiến binh có tấm lòng từ thiện lớn, một con người đầy nghị lực, vươn lên trên mảnh đất cằn cỗi, khốn khó xưa.