Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tầm nhìn nào cho VFF?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, Đại hội VFF sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội sau rất nhiều lần bị trì hoãn vì chưa tìm được nhân sự ưng ý.

Và khi sự kiện này diễn ra, người ta kỳ vọng, bóng đá Việt Nam sẽ có sự thay đổi về chất, sẽ có một tầm nhìn hướng đến tương lai chứ không dừng lại ở việc tìm ra một ban lãnh đạo mới.

Nhiệm kỳ của hành động

Ông Lê Hùng Dũng - ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF đã khiến dư luận nổi sóng bởi tuyên bố: “Tôi không nhận lương”. Người thì ủng hộ tuyên bố khảng khái của ông Dũng. Ý kiến khác lại phản đối với lý do rằng, nếu không nhận lương thì không thể quy trách nhiệm khi bóng đá Việt Nam gặp vấn đề nào đó. Thế nhưng, có vẻ như dư luận và bản thân những người trong cuộc đôi khi cũng không hiểu hết quy định về thu nhập của chức danh Chủ tịch VFF. Về nguyên tắc, Chủ tịch VFF làm việc trên cơ sở tự nguyện, không nhận lương do không làm việc thường xuyên tại trụ sở. Thế nhưng, quy định này lâu nay đã được biến tấu cho phù hợp với thực tế với tên gọi “phụ cấp làm việc”. Chỉ có điều, khoản phụ cấp này cho một vài chức danh quan trọng lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Ông Lê Hùng Dũng là ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch VFF.       Ảnh: AN AN
Ông Lê Hùng Dũng là ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch VFF. Ảnh: AN AN
Vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này không phải là Chủ tịch mới nhận lương hay không. Mấu chốt chính là việc, ông ta có thể làm được gì cho nền bóng đá? Rằng, những thay đổi mà vị Chủ tịch mang lại có đủ giúp nền bóng đá thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện tại?

Trước khi bước vào Đại hội, ông Lê Hùng Dũng đã cam kết rằng, mình sẽ hành động và sẵn sàng đối diện với những “đòn roi” để mang đến sự thay đổi cho nền bóng đá. Có lẽ, đây mới chính là điều mà bóng đá Việt Nam cần, bởi đã đến lúc phải có những nhà lãnh đạo dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình thay vì đổ lỗi cho tập thể như bấy lâu nay.

Cần lắm một cuộc  cách mạng

Ban lãnh đạo mới VFF cần phải thể hiện được quyết tâm thay đổi nền bóng đá. Nhưng, quyết tâm ấy chẳng thể đi đến đâu nếu thiếu tầm nhìn chiến lược. Bởi, những gì đã xảy ra hiện nay một phần là do những người làm bóng đá chỉ chạy theo phát triển nóng mà thiếu sự định hướng rõ ràng.

VFF đã đưa ra rất nhiều kế hoạch lớn cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Đầu tiên là việc cải thiện thành tích của ĐTQG, U23, rồi đưa ĐTQG nữ đến World Cup. Bóng đá trẻ cũng nhận được cam kết đầu tư. Các giải V - League, hạng Nhất được định hướng theo hướng chuyên nghiệp hóa…

VFF đang cho thấy họ sẵn sàng làm một cuộc cách mạng để thay đổi nền bóng đá. Thế nhưng, như đã nói ở trên, bóng đá Việt Nam rất cần ở VFF khả năng quản lý và định hướng sự phát triển. Hơn thế nữa, vấn đề của bóng đá Việt Nam cần phải được giải quyết từ gốc rễ, đó là tìm được một mô hình chuẩn để phát triển. Dù đã hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được mô hình chuẩn về một CLB doanh nghiệp. Trong khi đó, người ta đã vội vàng cắt đứt những mối liên hệ truyền thống vốn mang đến sự ổn định cho đội bóng và coi đó mới là biểu hiện của sự tiến bộ.

Vậy nên, bài toán mà VFF cần phải giải trong nhiệm kỳ này không chỉ là xác lập những lộ trình dài hơi mà còn xác định được mô hình chuẩn trong giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp. Một khi mà nền bóng đá không có được sự ổn định từ cơ sở thì kế hoạch có tham vọng đến đâu cũng khó mà thành hiện thực.