Mắc Covid-19 khi về chịu tang anh trai
Nén lại nỗi đau mất anh trai khi chưa kịp về chịu tang, anh N.C.T. (BN 256) 52 tuổi, trú tại Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên đành "ngậm ngùi" ở lại khu cách ly tập trung tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, dù trong lòng như có lửa đốt.
Sống và làm việc ở Moscow (Nga) đã 27 năm, cuối tháng 3/2020, anh T. từ Nga về Việt Nam để chịu tang anh trai, không ngờ được phát hiện mắc Covid-19.
Anh T. cho biết, về Việt Nam được cách ly ngay sau khi xuống sân bay nhưng phải đến ngày thứ 10, anh mới biết mình nhiễm bệnh dù cơ thể không có biểu hiện, triệu chứng của bệnh.
“Mặc dù bản thân tôi mắc bệnh tiểu đường nhưng trong quá trình điều trị tại bệnh viện 1 tháng vẫn khỏe mạnh, bình thường. Tôi nghĩ, chủ yếu vẫn là do sự cố gắng của mỗi bệnh nhân. Qua đây, tôi cũng cảm ơn các bác sĩ đã nhiệt tình trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân từng bữa cơm, thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân từng ngày…”, bệnh nhân T. chia sẻ.
Vui mừng vì được công bố khỏi bệnh, nhưng anh T. cũng không khỏi lo lắng bởi lẽ, sau khi về quê, anh sợ ảnh hưởng đến gia đình; hàng xóm, láng giềng sẽ kỳ thị, xa lánh anh. “Có lẽ, tôi sẽ thay đổi địa điểm để cách ly tiếp 14 ngày và trong thời gian sớm nhất, tôi sẽ quay lại Nga để tiếp tục cuộc sống của mình”, anh T. cho hay.
Niềm vui trọn vẹn
Trên những khuôn mặt ánh lên niềm vui khôn xiết của các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, thật khó có thể lột tả hết được niềm vui trọn vẹn, niềm hạnh phúc vô bờ bến của cặp vợ chồng anh N.A.H. (BN 254), 51 tuổi, sống ở huyện Mê Linh, Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi, anh H. cho biết, anh được chuyển từ Bệnh viện Thận Hà Nội sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ ngày 9/4. Khi nhập viện, triệu chứng của anh không rõ ràng, chỉ hơi đau đầu, hơi ho và không sốt từ lúc vào viện cho đến ngày được công bố khỏi bệnh.
“Trong 32 ngày điều trị tại bệnh viện, tôi đều tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của bác sĩ. Mỗi ngày, bác sĩ đều thăm khám, nhắc nhở tôi uống thuốc và ăn, ngủ đúng giờ. Mặc dù chỉ mình tôi chạy thận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng có tới 3 - 4 bác sĩ, điều dưỡng viên giúp tôi điều trị. Các bác sĩ làm việc rất cẩn thận, chu đáo”, anh H. cho hay.
Thông tin trước đó, BN 254 có bệnh nền suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ, là người "lọt lưới" khỏi chốt kiểm soát thôn Hạ Lôi đến Bệnh viện Thận Hà Nội để chạy thận khiến cả bệnh viện này phải cách ly toàn bộ.
Nhớ lại khoảng thời gian ở Bệnh viện Thận Hà Nội, anh H. cho hay, anh chủ yếu tiếp xúc với những người chạy thận xung quanh mình và một số điều dưỡng viên. May mắn, không ai tại Bệnh viện Thận Hà Nội bị mắc Covid-19.
“Điều mà tôi lo lắng nhất là việc bản thân có thể truyền bệnh cho những người xung quanh. Nếu điều này thực sự xảy ra thì tôi cảm thấy rất khổ tâm”, anh H. tâm sự.
Theo anh H., anh đã tiếp xúc gần với BN 243 mắc Covid-19 là bạn và hàng xóm của anh. Không may, anh đã lây bệnh cho vợ (BN 259) và 1 người cháu. Tuy nhiên, bố mẹ cùng những người bạn của anh không nhiễm bệnh.
“Sau khi phát hiện mình mắc Covid-19, gia đình đã lo lắng cho tôi rất nhiều. Dù cảm thấy khá sốc nhưng tôi đã tự trấn tĩnh bản thân, tin tưởng vào các bác sĩ để chữa trị”, anh H. chia sẻ.
Trong ngày được công bố khỏi bệnh, anh H. vui mừng và cảm ơn tất cả các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện đã chữa khỏi bệnh cho vợ chồng anh.
“Đặc biệt, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình, bạn bè, tất cả những người vì tôi mà bị ảnh hưởng trong thời gian qua, nhất là các y, bác sĩ ở Bệnh viện Thận Hà Nội đã phải cách ly sau khi tôi đến bệnh viện để chạy thận”, anh H. xúc động nói.
Được biết, sau khi được công bố khỏi bệnh, anh H. tiếp tục tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày đúng theo quy định của Bộ Y tế. Sau khi hết thời gian cách ly, anh H. sẽ quay trở lại Bệnh viện Thận Hà Nội để chạy thận.
Tràn ngập cảm xúc không kém anh H., vợ anh H. là chị T.T.H. (BN 259), trú tại Mê Linh, Hà Nội rưng rưng kể lại: “Khi biết mình mắc Covid-19, tôi rất hoảng loạn (dù không có triệu chứng sốt, hay khó thở, chỉ ho), vì trước đó, chồng tôi chạy thận, rất yếu, đã mắc rồi. Đặc biệt, tôi lo nhất cho cháu ngoại, vì cháu còn quá nhỏ. Nhưng rất may, cháu không bị mắc”.
Sau khi được đưa vào bệnh viện điều trị, chị trấn tĩnh lại cảm thấy khỏe mạnh hơn, yên tâm hơn và tin tưởng vào các bác sĩ.
“Các bác sĩ chăm sóc chúng tôi chu đáo lắm! Hôm nào, các bác sĩ cũng gọi điện hỏi thăm bệnh nhân. Chăm sóc bữa ăn cho bệnh nhân đầy đủ chất dinh dưỡng. Hai vợ chồng và cháu tôi cùng khỏi bệnh một ngày, chúng tôi vô cùng vui mừng. Cảm ơn tất cả các bác sĩ ở bệnh viện - những chiến binh áo trắng đã giúp chúng tôi khỏi bệnh, thoát khỏi tử thần”, chị H. chia sẻ.
Sự hối hận muộn màng
Dù được công bố khỏi bệnh nhưng chị H.T.N. (BN 178, ca bệnh liên quan Bệnh viện Bạch Mai) 44 tuổi, trú tại Phú Thịnh, Đại Từ, Thái Nguyên vẫn đọng lại nỗi buồn, sự hối hận muộn màng, khi trước đó chị phạm phải một sai lầm đáng trách là đã "không khai báo y tế thành khẩn".
Trong ánh mắt ái ngại, chị N. chia sẻ, cho đến bây giờ, khi được công bố khỏi bệnh, chị vẫn còn cảm giác lo lắng khi trước đó nghe tin đề nghị phạt vì không khai báo trung thực và giờ chị rất hối hận.
Chị N. cho biết, chị đã làm thuê ở nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai trong 2 tháng và công việc chủ yếu là đưa cơm tới các khoa, phòng trong bệnh viện.
Trước đó, khi chưa xác định dương tính, bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai về quê Thái Nguyên và vào thẳng bệnh viện ở Đại Từ để trình giấy tờ.
Ban đầu, bệnh nhân cho biết ở nhà, không đi đâu và bị đau đầu, chóng mặt nên đi khám. Sau đó, bệnh nhân được lập hồ sơ bệnh án điều trị tại khoa Nội, xét nghiệm công thức máu và đường máu cho kết quả là bình thường.
Tuy nhiên, đến 20h cùng ngày, bệnh nhân này có biểu hiện sốt, đau họng và kiểm tra thân nhiệt là 37,6 độ C. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị ngày 28/3.
"Khi ấy tôi làm theo hướng dẫn của bên y tế là từ Bạch Mai về thẳng Bệnh viện ở Thái Nguyên, không về nhà, không gặp ai. Nghe tin Thủ tướng đề nghị phạt, tôi vừa sợ bệnh vì không biết sẽ như thế nào, vừa sợ bị phạt", BN 178 chia sẻ.