Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm và tầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức mít tinh hưởng ứng thông điệp Ngày Du lịch thế giới 2015 với chủ đề: “Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”.

Tôi cũng rất mừng là mới đây, Hà Nội (trước đó là TP Hồ Chí Minh) được phép tách ngành du lịch ra khỏi Sở VHTT&DL để trở thành một Sở quản lý ngành độc lập sau nhiều năm "hợp hôn" nhưng chưa thành công và đã bộc lộ nhiều bất cập. Hy vọng từ nay, ngành du lịch của 2 TP lớn nhất cả nước sẽ có điều kiện phát triển hơn, khắc phục sự tụt hậu về lĩnh vực này.

Nói cho chính xác, có giai đoạn, ngành du lịch nước ta còn ghép đến 4 ngành khác nhau vào cùng bộ. Dân ta nói vui và gọi ngắn gọn lại là "Bộ Văn - Thông - Thể - Du". Sau ít năm thấy không ổn, Quốc hội mới cho ý kiến, bớt đi ngành thông tin, còn lại 3 ngành như bây giờ (ở cấp Bộ và Sở).

 
Tâm và tầm - Ảnh 1
 
Chỉ riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần đây mới tách ra và có cấp Sở độc lập. Tuy nhiên, đó chưa phải là cái cớ để nói vì thế du lịch của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa phát triển tương xứng. Nó còn do nhiều nguyên nhân khác. Có lẽ, việc "tách nhập, nhập tách" của bộ máy công vụ ở Việt Nam đã tới lúc nên dành thời gian nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm sao hạn chế bớt những chuyện tách, nhập như vậy. Như vậy sẽ tốt hơn và tiết kiệm ngân sách hơn.

Nhìn rộng ra ở khía cạnh phát triển du lịch cấp quốc gia, việc sụt giảm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm (so với 8 tháng đầu 2014) là vấn đề cần lưu ý. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, ngành du lịch Việt Nam sẽ rất khó vực dậy do các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia... đều tìm cách tung ra nhiều chiêu quảng bá cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm hút khách. Cụ thể, Thái Lan tăng 27,4%, Việt Nam giảm 7,5% và riêng du lịch Campuchia, tính sơ sáu tháng đầu năm nay, đã tăng trưởng 4,6%. Nếu chúng ta không thấy lo ngại để có chính sách giúp nó tăng tốc, nguy cơ tụt dốc là có cơ sở.

Một lĩnh vực khác, xin nói thêm là nông nghiệp. Chúng ta đã từng đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Ấy vậy mà nguy cơ phải nhường thế đứng đó cho Campuchia đã nhỡn tiền. Bạn đang "vượt mặt" chúng ta về xuất gạo có thương hiệu và đang giành thị phần xuất gạo cho nước nghèo.

Tôi nghe nói, chỉ nội chính sách phụ trợ cho du lịch nước nhà hấp dẫn và phù hợp với xu thế chung của các nước, đó là việc miễn visa (thị thực) nhập cảnh cho du khách, các đơn vị của ngành du lịch kêu than tới cả chục năm mới có được như gần đây (cho công dân 6 nước châu Âu đến với Việt Nam). Trong khi đó, có nước họ đã mở rộng đến cả trăm quốc gia chứ không còn mức 2 con số. Nếu quả vậy, tính cạnh tranh của chúng ta luôn yếu thế là đúng. Và, trong khi Chính phủ các nước họ ban hành những chính sách để kéo ngành du lịch phát triển như có thời vụ giảm giá hàng, giá khách sạn, vé máy bay... thì ở nước ta, tôi chưa thấy khi nào có được một chính sách liên hoàn như thế. Tôi có cảm giác chưa ai đứng ra kết nối được một cách hữu hiệu.

Nếu các nước họ dành một khoản ngân sách lớn để quảng bá du lịch thì ở ta, được biết việc chi phí cho công việc quan trọng này rất èo uột. Nếu như tổng doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cả năm như năm trước là khoảng 700 triệu USD, thì kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam chỉ khoảng 1,5 triệu USD. Nhưng nó không đơn thuần là quảng bá, thu hút du khách quốc tế. Giá như chúng ta căn cơ trong việc cần căn cơ, mạnh tay chi những thứ buộc phải chi thì vẫn rất nên làm. Là người làm truyền thông, tôi rất hiểu, làm như thế, chúng ta chỉ thua họ cho dù ta tự hào có Vịnh Hạ Long, có hang Sơn Đòong...

Tôi chỉ nêu một ví dụ nhỏ để thấy rằng, cách làm lâu nay của ngành du lịch Việt chưa hiệu quả thế nào: Hầu hết các địa phương trong cả nước mà có biển, năm nào cũng bỏ ra nhiều tỷ đồng tổ chức lễ hội du lịch biển. Mục đích cũng là để quảng bá cho vùng đất của tỉnh. Nhưng xin hỏi: Với số kinh phí bỏ ra cho một đêm hội đó, liệu có mấy du khách quốc tế được coi? Mà dù có coi, thử hỏi liệu nó đã đủ sức hút du khách đó quay lại lần sau nữa không?

Vào năm 2008, khi chúng ta tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ lần đầu tiên của Thế giới ở Việt Nam. Theo thông lệ, nước ta phải chi 7 triệu USD cho 9 phút quảng bá về đất nước, phong cảnh và con người Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế. Nhưng huy động kinh phí hồi đó vô cùng trầy trật. Giá như tỉnh nào cũng hy sinh, không tổ chức lễ hội du lịch một cách sáo mòn, lãng phí như đã làm thì số tiền đó dư sức lo được những phút quảng bá hiệu quả giúp cho thế giới biết đến Việt Nam, nó vô cùng đơn giản. Song, để đồng thuận trong chuyện đóng góp này, tôi hiểu rằng chẳng ai nói được ai.

Vừa rồi, trên các phương tiện truyền thông quốc tế và trong nước, tôi thấy có một đoạn clip “Welcome to Vietnam” được Bộ Ngoại giao giới thiệu và quảng bá trên VTV và các kênh mạng xã hội, YouTube... quả là khá thú vị! Là người Việt, vậy mà sao tôi vẫn cảm thấy rất thích thú và tự hào về nó đến thế? Giá như chúng ta quan tâm đến cách tuyên truyền kiểu này nhiều hơn, tôi tin rằng bè bạn quốc tế sẽ biết đến chúng ta cũng nhiều hơn.

Có những điều tưởng như "không thể", nhưng vẫn cứ là "có thể". Nghe cũng rất khó tin. Vào năm 2005, tân Đại sứ của Nam Phi sang Việt Nam nhậm chức đã kể cho chúng tôi câu chuyện nghe mà khó tin nổi. Ông bảo, khi bạn ông biết ông sang Việt Nam nhận công tác, ông bạn nọ hỏi ông: Cậu không biết ở Việt Nam họ còn chiến tranh hay sao mà lại sang đó làm việc? Trong khi vào thời điểm đó, chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa chúng ta 4 chục năm tròn.

Nói vậy để thấy, việc quảng bá về Việt Nam với bạn bè quốc tế là chuyện không bao giờ thừa. Ngay cả việc này, nếu được làm thường xuyên thì mỗi lần thực hiện mấy phút ghi hình và quảng bá đó, nó vẫn luôn luôn phải mới. Không mới thì không thể hấp dẫn du khách quốc tế mãi được. Tất cả, nó đòi hỏi ở người có trách nhiệm cao nhất của ngành vừa phải có tầm, vừa phải có sức thuyết phục cấp trên mỗi khi bảo vệ đường hướng phát triển ngành mình mang tính chiến lược. "Con không khóc, mẹ sao biết để cho bú?".