Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm: Bất hợp lý

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm (SP) phải theo nhu cầu thị trường việc làm. Việc Bộ GD&ĐT để cho các trường đưa ra tiêu chí tuyển sinh dựa trên căn cứ vào năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo là chưa hợp lý.

4 vạn cử nhân sư phạm thất nghiệp
Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm (CĐSP) là 653.278, giảm 5,14% so với năm 2018. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐSP lại tăng 7,57%, thành 489.637. Trong đó, chỉ tiêu SP 46.285, tăng 30,05% (năm 2018 chỉ tiêu SP 35.590).
 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.Ảnh: Quỳnh Linh
Theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng, trước hết, chỉ tiêu được xác định trên năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường. Đến nay, đã có hơn 120 trường kiểm định đạt kết quả ngày càng tốt hơn nên được đưa ra mức chỉ tiêu đúng với năng lực đào tạo. Tiếp đến, Bộ GD&ĐT bắt đầu bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đầu ra đáng kể.
Riêng đối với chỉ tiêu SP, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Cục Nhà giáo phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên (GV) từ năm 2018 - 2025. Do nhu cầu đào tạo GV của các tỉnh nhiều hơn so với năm trước nên năm 2019 chỉ tiêu đào tạo SP cũng tăng lên. Tuy nhiên, việc các trường SP tăng 10.695 chỉ tiêu so với năm 2018 khiến dư luận hết sức băn khoăn, trong khi cả nước có tới 40.000 cử nhân SP thất nghiệp. Mặt khác, các địa phương đang thực hiện tinh giản biên chế, nhiều GV hợp đồng đang có nguy cơ mất việc.
PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có rất nhiều thông số để quyết định tăng chỉ tiêu. Khi dân số ngày càng tăng, trẻ con ngày càng nhiều thì phải cần nhiều GV. Hơn nữa, thực hiện đổi mới giáo dục, các lớp được chia nhỏ ra sẽ cần thêm GV.
“Quan trọng là các địa phương có lên đúng quy hoạch nhu cầu sử dụng GV không. Mặc khác, từ trước đến nay có GV dạy Toán, Lý, Hóa riêng biệt nhưng bây giờ, chương trình giáo dục phổ thông mới có môn Khoa học tự nhiên chỉ cần bồi dưỡng GV là được. Vừa rồi các trường SP mở chương trình đào tạo khoa học tự nhiên và lấy lý do tăng chỉ tiêu là không đúng. Việc này cần phải được đánh giá toàn diện” - PGS Lê Kim Long đề nghị.
Xem xét lại tiêu chí tăng chỉ tiêu
Trao đổi về câu chuyện tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, lấy nhu cầu của xã hội để tính ra chỉ tiêu đào tạo GV. Cụ thể, Bộ GD&ĐT phải xem xã hội cần GV nào, chất lượng ra sao. Trên cơ sở đó chuẩn hóa các trường SP để có đủ năng lực đào tạo theo số lượng và chất lượng, chứ không phải khi thấy các trường nâng được chất lượng đào tạo là Bộ GD&ĐT đồng ý cho tăng chỉ tiêu, trong khi số lượng GV đang thất nghiệp rất nhiều.
Tình trạng dư thừa GV như hiện nay là do việc đào tạo và sử dụng chưa đi đôi với nhau. Nhiều GV đã phải dứt áo đi làm công việc khác dù rất yêu nghề. Vì thế, khi biết chỉ tiêu ngành SP tăng lên tới 30%, Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Khắc Thành hết sức băn khoăn. Có ý kiến khác cho rằng, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra, thẩm định lại số liệu nhu cầu sử dụng GV của các địa phương gửi lên. Bởi một số trường CĐ ở địa phương, chất lượng đào tạo GV không đảm bảo. Nhiều chuyên gia cũng không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT bù đắp chỉ tiêu do các trường có tỷ lệ sàng lọc đầu ra.
“Không phải độ sàng lọc cao, đòi hỏi cao nên sinh viên ra trường ít, có thể do chán học. Nếu tăng chỉ tiêu cho những trường như thế thì cuối cùng là bồi đắp cho cơ thể rất ốm yếu. Vụ Giáo dục ĐH cần phải xem xét, đánh giá rõ sinh viên bị sàng lọc là do đòi hỏi chặt đầu ra hay vì lý do khác rồi mới cho tăng chỉ tiêu” - PGS.TS Lê Kim Long đề nghị.

"Trong cơ chế thị trường, khi GV không được dùng là “hàng” tồn kho. Các địa phương phải xem vì sao “hàng” tồn kho, nếu do chất lượng thì gia cố, đào tạo thêm 1 năm chứ không phải cứ để GV thất nghiệp mãi như vậy rồi lại đi tuyển sinh viên mới." - GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam