Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng chỗ dựa cho người lao động ở cơ sở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN nào đã thành lập tổ chức công đoàn thì ở đó, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) được đảm bảo hơn.

DN nào đã thành lập tổ chức công đoàn thì ở đó, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) được đảm bảo hơn. Trong khi nhiều tổ chức, DN đã nhận thức rõ điều đó thì tại Hà Nội, thực tế nhiều DN ngoài Nhà nước (NNN) chưa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đoàn viên (ĐV) và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). 

Ngại nộp phí công đoàn

Năm 2014, TP thành lập mới 476 CĐCS, vượt kế hoạch 19%; và kết nạp mới 45.214 ĐV, vượt 7,65%, trong đó 80% thuộc khu vực NNN. Nhưng con số đó vẫn thấp so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) giao. Trong 484.836 ĐV hiện có, Hà Nội mới đạt 16.339 ĐV tăng thêm, trong khi được giao 128.000 ĐV tăng thêm và hết năm 2017 phải có 596.497 ĐV. Thậm chí, năm 2014, một số CĐ có số ĐV giảm mạnh, điển hình là các khu công nghiệp & chế xuất giảm 11.027 ĐV. Trong năm, LĐLĐ TP lựa chọn quận Long Biên và Hai Bà Trưng làm điểm thực hiện vận động phát triển ĐV, thành lập CĐCS theo mô hình mới. Kết quả, trong khi quận Long Biên đã có CĐ Công ty TNHH Thương mại Sơn Dương tổ chức thành công hội nghị thành lập CĐCS với 31 ĐV thì LĐLĐ quận Hai Bà Trưng lại gặp rào cản từ các chủ DN, nên không thành lập được CĐCS. 
Thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho người lao động.      Ảnh: Linh Anh
Thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho người lao động. Ảnh: Linh Anh
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Ngô Văn Tuyến, những hạn chế này trước hết do Ban chỉ đạo phát triển ĐV, thành lập CĐCS cấp quận, huyện, một số đơn vị chưa thực sự vào cuộc. Nhiều DN không coi phát triển ĐV, thành lập CĐCS là nhiệm vụ trọng tâm. Thậm chí, một số nơi giao khoán cho cán bộ chuyên trách, hoặc đến cuối năm mới tập trung thực hiện. 

Cùng với đó, tại không ít quận, huyện, rất nhiều chủ DN không mặn mà thành lập tổ chức CĐ hoặc cố tình né tránh. Như Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thanh Xuân cho biết: Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều DN né việc… phải trích nộp kinh phí CĐ. Tại khu vực NNN, tiếng nói của đại diện CĐ cũng không được mạnh mẽ như ở DN Nhà nước, vì người sử dụng LĐ chính là người trả lương, trả phí hoạt động CĐ. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chế tài xử lý các DN vi phạm quy định phải thành lập CĐCS. Trong khi, qua nắm bắt tâm tư của một số giáo viên mầm non tư thục hay nhiều NLĐ khác…, có thể thấy họ rất muốn sinh hoạt trong tổ chức CĐ. 

Đổi mới tuyên truyền,  vận động 

Năm 2015, LĐLĐ TP phấn đấu thành lập mới 400 CĐCS, kết nạp mới 42.000 ĐV trở lên, 100% DN có từ 50 LĐ và trên 90% DN có từ 30 LĐ trở lên thành lập CĐCS. Những con số này không cao hơn mục tiêu hồi đầu năm 2014, nhưng vẫn là cái đích khó cán nếu các cấp CĐ không thực sự bắt tay đổi mới cơ bản các giải pháp, nhất là về kỹ năng tuyên truyền, vận động của các cán bộ trực tiếp làm công tác này, cũng như bổ sung nhân lực. Bởi đã từ lâu, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên chưa dành thời gian để vận động, kết nạp ĐV. Trong khi, một số CĐCS mới thành lập rất lúng túng vì chưa nhận được chỉ đạo cụ thể của CĐ cấp trên cơ sở.

Do đó, năm 2015, LĐLĐ TP chủ trương đổi mới ngay từ việc giao chỉ tiêu phát triển ĐV, thành lập CĐCS cụ thể cho LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở. Quan trọng hơn, tăng cường tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động phát triển ĐV và thành lập CĐCS cho cán bộ trực tiếp làm công tác này. Bên cạnh đó, yêu cầu các cấp CĐ triển khai hiệu quả chương trình phối hợp LĐLĐ - LĐTB&XH – Bảo hiểm xã hội để kiểm tra việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật CĐ gắn với nhiệm vụ tuyên truyền phát triển ĐV, thành lập CĐCS.