Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường bảo đảm ATGT trên QL5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Thành Đô
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1251/CĐ-TTg về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nội dung công điện như sau:

Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp; hiện tượng các lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến và tạo dư luận xấu trong xã hội.
Tăng cường bảo đảm ATGT trên QL5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng - Ảnh 1
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, tạo sự yên tâm, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Hội và Hải Phòng; trong đó, xác định rõ lộ trình giữa bến đầu và bến cuối; xác định rõ các điểm đón - trả khách dọc trên tuyến; tổng số chuyến xe trong ngày và tần suất tối đa trong mỗi giờ cao điểm; xây dựng lịch trình khai thác cụ thể cho từng chuyến xe trên tuyến, thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời gian chưa công bố phương án điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông vận tải thí điểm tổ chức điều hành tập trung theo lộ trình, lịch trình được công bố trong phương án quy hoạch chi tiết điều chỉnh; tổ chức sơ kết, đánh giá, làm căn cứ để tiếp tục triển khai trong cả nước.

- Giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất phát động phong trào xây dựng (nếp sống văn hóa mới) văn hóa giao thông.

2. Bộ Công an

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác nghiệp vụ; chủ động phòng ngừa, rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động trên tuyến; kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê", những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho các lái xe và phụ xe, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với lái xe, chủ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách, vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, vi phạm tốc độ, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường cho xe ưu tiên…; mở đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm tại các bến xe và dọc tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

- Chỉ đạo Công an địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cá nhân, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các bến xe và trên tuyến còn để xảy ra vi phạm và mất trật tự trên địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi ném đá vào các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các phương tiện lưu thông vào các tuyến đường dân sinh, đường địa phương trái quy định, nhằm tránh các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý đối với các bến xe, quy hoạch mạng lưới tuyến, tổ chức quản lý các điểm đón, trả khách dành cho xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định; phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh vận tải; nghiên cứu, lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe và một số điểm trọng yếu trên tuyến để phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm, nhất là "xe dù", xe chạy vượt tuyến, xe chạy sai hành trình, đón, trả khách sai quy định và các hành vi vi phạm khác.

- Chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông vận tải quy định rõ hình thức, biện pháp xử lý đối với Giám đốc, Ban quản lý các bến xe và Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Sở Giao thông vận tải để xảy ra các vi phạm trên địa bàn hoặc lĩnh vực quản lý. Đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự thì thực hiện các hình thức xử lý như: Đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi biển hiệu, phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải; đồng thời, thông báo cụ thể danh sách xe, lịch trình, tuyến đường hoạt động cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

4. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

- Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải hành khách để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu về vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trước mắt là chia sẻ thông tin giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với các cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải) về vi phạm và xử phạt vi phạm đối với người điều khiển và chủ phương tiện kinh doanh vận tải.