Theo Sở KH&ĐT, đến ngày 15/11/2012 giá trị thực hiện vốn XDCB của TP ước đạt 12.402,9 tỷ đồng, bằng 75,03% kế hoạch (KH); giải ngân đạt 11.015,4 tỷ đồng, bằng 66,9% KH ( bằng 62,2% KH so cùng kỳ năm 2011).
Trong đó, nguồn vốn TP quản lý, thực hiện đạt 7.274,9 tỷ đồng, bằng 79,5% KH; giải ngân đạt 6.722,4 tỷ đồng, bằng 73,5% KH. Đến thời điểm này, đã có 59 công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả cao, một số đơn vị tỷ lệ giải ngân đạt cao như: huyện Từ Liêm (94,93%KH); huyện Phúc Thọ (92,2%KH); quận Tây Hồ (90,1%KH); huyện Đông Anh (86,1%KH); quận Hoàng Mai (83,49%KH)…
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị.
Nguồn vốn do quận, huyện quản lý, khối lượng thực hiện đạt 5.050 tỷ đồng, bằng 69,1%KH; giá trị giải ngân đạt 4.232 tỷ đồng, bằng 57,9%KH. Có 28/29 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thực hiện phân giao hết kế hoạch theo đúng chỉ đạo của TP.
Về nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu, cùng với nguồn vốn hỗ trợ TP, đến nay đã hoàn thành 25 dự án giao thông nông thôn với 47,3 km đường giao thông đưa vào khai thác sử dụng, cùng nhiều dự án quan trọng khác tại khu vực nông thôn, ngoại thành…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, tình hình thực hiện và giải ngân vốn XDCB thuộc KH năm 2012 của TP còn chậm so với mức chung của cả nước (cả nước giá trị giải ngân đạt khoảng 74,7%). Một số dự án chuyển tiếp mặc dù đã có khối lượng thực hiện khá lớn, nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chưa phối hợp tốt trong việc hoàn thành thủ tục giải ngân vốn, đến ngày 31/10/2012 còn 64 dự án thuộc giai đoạn thực hiện dự án chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2012; 25 dự án mới chưa khởi công thực hiện.
Với nhóm công trình trọng điểm, có 41/55 dự án thành phần triển khai chậm tiến độ. Một số đơn vị, thực hiện giải ngân nguồn vốn do TP quản lý đạt rất thấp, như các huyện: Hoài Đức (9,52% KH); Đan Phượng (21,42% KH), Chương Mỹ (26,9% KH); các sở: Thông tin T& Truyền thông (14,5% KH); Khoa học – Công nghệ 16,23% KH); Đài Truyền hình Hà Nội (18,14%); …
Đến 31/10/2012, còn 64 dự án (DA) chưa giải ngân KH vốn năm 2012; 25 DA mới chưa khởi công, trong đó khối đô thị: 3 DA, nông nghiệp: 1; văn hóa – xã hội, đào tạo: 25 DA .
Nhóm công trình trọng điểm, có 31 DA chuẩn bị đầu tư chậm, 9 DA thực hiện đầu tư chậm… Nổi lên, khó khăn trong GPMB, chưa thi công được, như các DA: Đường vành đai I có, đoạn Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái; Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu; DA sông Tích… Một số DA đội giá lớn, như: đường 5 kéo dài (điều chỉnh tăng hơn 5.000 tỷ đồng); đặc biệt, DA tuyến đường Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (thuộc đường vành đai I và vành đai 2) sử dụng vốn ODA, dự kiến điều chỉnh 51.000 tỷ đồng…! (phải báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Quốc hội); một số DA chuẩn bị đầu tư chuẩn bị rất chậm, như: Cung thiếu nhi, Nhà hát Thăng Long; các dự án Khu hoàng thành Thăng Long, một số bệnh viện…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2012, tình tình kinh tế khó khăn, với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của TP, nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, như: cầu vượt nhẹ tại các nút giao, Đường vành đai 3… góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư XDCB của TP đạt tỷ lệ còn thấp; nhiều dự án còn chậm, kể cả dự án có vốn nhưng không khởi công được vướng mắc công tác GPMB… Do nhiều đơn vị chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành, dễ làm, khó bỏ; thủ tục hành chính chậm, trì trệ… một số chủ đầu tư năng lực yếu, chất lượng tư vấn còn hạn chế; việc giám sát tiến độ, nhân lực, tổ chức thi công trên công trường.. chưa hợp lý.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, với lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tập trung chỉ đạo, thực hiện và giải ngân đầu tư XDCB, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch TP đã đề ra. Trong đó, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, qua đó hoàn thành cao nhất thu NSNN của TP, đảm bảo nguồn vốn dành cho XDCB; các quận, huyện, thị xã, cân đối nguồn vốn còn kết dư để ưu tiên cho nhiệm vụ này. Các công trình, dự án dược bố trí đủ nguồn vốn, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành tiến độ, khối lượng công việc trong năm.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác lập, thẩm định khối lượng thanh quyết toán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; tháo gỡ vướng mắc cơ chế trong xây dựng, cải cách TTHC trong thanh quyết toán… Hết sức linh hoạt trong việc điều hành, điều chỉnh khối lượng thanh toán, giải ngân từ nay cho đến cuối năm, kịp thời báo cáo TP trong thời gian sớm nhất để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh.