Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường năng lực sản xuất nội địa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những quy tắc xuất xứ trong FTA đã đặt ra những đòi hỏi cao buộc Việt Nam phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự đoán của nhiều chuyên gia cho rằng, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục sẽ tăng trong những tháng cuối năm do tác động của việc nước này liên tục điều chỉnh tỷ giá. Nhiều khả năng mức nhập siêu Trung Quốc của năm 2015 có thể đạt khoảng 35 tỷ USD.

Đánh giá về những con số này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc Trung Quốc đã đột ngột thay đổi tỷ giá của đồng NDT trong tháng 8 vừa qua đã tạo ra những bất lợi lớn cho các ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam. Có thể kể đến như nông sản, dệt may, thủy sản hay một số ngành kinh tế liên quan đến tỷ giá như công nghiệp chế biến...
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với thị trường Trung Quốc
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Tuy nhiên trước mắt sự thay đổi trên sẽ không tác động nhiều đến cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam. Điều này thể hiện qua  xuất khẩu vẫn có sự tăng trưởng rất tốt so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm), Thứ trưởng chia sẻ.

Mặc dù vậy, xét về lâu dài nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giày và một số ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng cũng đưa ra nhận định, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía chúng ta.

Nếu Việt Nam chưa phát triển một cách đồng bộ công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành sản xuất và công nghiệp khác, đồng thời chưa nâng cao được trình độ công nghệ, hiệu quả về đầu tư đặc biệt liên quan đến năng suất lao động, thì Việt Nam sẽ còn phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường Trung Quốc.

Sự phụ thuộc này ở trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu và cả những mặt hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng hàng tiêu dùng, Thứ trưởng nói.

Chính vì vậy Việt Nam phải phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất, trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,… mới có thể tính đến cải thiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại này, Thứ trưởng cho biết.

Trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã kí kết với nhiều quốc gia đã đặt ra những yêu cầu rất cao thì lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ thị trường truyền thống khá thuận lợi như Trung Quốc chắc cũng sẽ không tồn tại lâu dài.

Bởi với những quy tắc xuất xứ trong FTA đã đặt ra những đòi hỏi cao buộc Việt Nam phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Trong thời gian tới, có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác, Thứ trưởng khẳng định.