Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thực hiện và các văn bản khác có liên quan.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp". Qua đó, công tác giám định tư pháp nói chung và giám định phục vụ công tác xử lý tham nhũng nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp của nhiều Bộ, ngành và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế. 

Nhận thức của một số Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tố tụng ở cấp Trung ương về công tác giám định tư pháp còn chưa đầy đủ; vẫn còn một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp chưa được ban hành, hoặc đã ban hành nhưng chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu, có trường hợp còn né tránh trách nhiệm; vẫn còn một số vướng mắc về nguồn kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thực hiện và các văn bản khác có liên quan. Nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp về công tác giám định tư pháp, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng Bộ, ngành và địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, nhất là đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng.

Xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn 

Các Bộ, ngành chủ quản được trưng cầu giám định (nhất là các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước) tập trung thực hiện chỉ định, công khai hóa đầu mối ở các Bộ, ngành về công tác giám định tư pháp; rà soát, củng cố đội ngũ cán bộ và tổ chức thực hiện giám định tư pháp; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập và giải quyết các khó khăn trong hoạt động của các Văn phòng giám định tư pháp.

Đồng thời xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó xác định rõ quy trình, phương pháp, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, phương tiện và thời gian giám định đối với từng loại việc giám định để khắc phục tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng quy chuẩn chuyên môn; hướng dẫn về nghiệp vụ giám định trong một số loại việc giám định có nội dung nghiệp vụ mới.

Bên cạnh đó có cơ chế cụ thể, tạo điều kiện bảo đảm cho các cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giám định; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho người làm giám định của Bộ, ngành; có chế độ khen thưởng, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.

Không để vướng mắc kéo dài trong công tác giám định

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ động, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tố tụng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết, không để vướng mắc kéo dài trong công tác giám định ảnh hưởng đến quá trình xử lý án tham nhũng.

Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường thông tin, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành chủ quản về hoạt động, quản lý giám định tư pháp; có hướng dẫn việc thi hành Luật giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn và tổ chức thực hiện về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; chế độ thống kê trưng cầu, đánh giá và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ liên quan xây dựng quy chế phối hợp, thông tin về công tác giám định tư pháp để kịp thời cập nhật và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng nói chung, trong giải quyết án tham nhũng, án kinh tế nói riêng, bảo đảm hiệu quả hoạt động, quản lý giám định tư pháp.